Cây ca cao từng là loại cây trồng xen trong vườn dừa mang lại quả kinh tế cao tại Bến Tre. Tuy nhiên, đợt hạn mặn vào năm 2016 đã làm cho cây ca cao bị thiệt hại nặng nề.
Hiện nay, người dân đang khắc phục ảnh hưởng hạn mặn, giúp cây ca cao phát triển tốt, mở rộng diện tích trồng ca cao xen vườn dừa. Qua đó, mở ra tín hiệu “hồi sinh” cho cây ca cao tại Bến Tre.
Ông Võ Văn Bân, xã Phú Túc, huyện Châu Thành với hơn 15 năm kinh nghiệm trồng cây ca cao chia sẻ, ông là một trong những người đầu tiên áp dụng trồng cây ca cao xen vườn dừa tại địa phương. Tuy nhiên, thời điểm giá ca cao sụt giảm khoản năm 2013, kết hợp với việc hạn mặn năm 2016, cây ca cao bị ảnh hưởng chết rất nhiều, làm cho người dân không còn mặn mà với cây ca cao nữa.
Theo ông Bân, khoảng 3 năm trở lại đây giá ca cao dần ổn định, kết hợp người dân chủ động trữ ngọt, ngăn mặn để mở lại diện tích trồng ca cao. Hơn nữa, các công ty tổ chức liên kết sản xuất với nông dân bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm trái ca cao, giúp người dân an tâm hơn trong sản xuất.
Ông Bân cho hay, bản thân ông trồng xen cây ca cao trong vườn dừa 1,2 ha của gia đình. Những năm qua, giá ca cao ổn định từ 5.000-6.000 đồng/kg trái ca cao tươi, giúp gia đình ông có thêm thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Bân so sánh, nếu chỉ trồng dừa, với giá dừa xuống thấp như hiện nay nguồn thu nhập từ cây ca cao giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn.
Ông Bân cho biết, cây ca cao trồng xen trong vườn dừa dễ đạt kết quả so với các loại cây trồng khác nếu được đầu tư, chăm sóc tốt. Đặc biệt là khâu tỉa cành tạo tán, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Bản thân ông, bón phân cho cây ca cao sử dụng phân hữu cơ, nên cả cây dừa và cây ca cao có nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp chống chọi ảnh hưởng nước mặn. Bên cạnh đó, ông xây dựng đê bao quanh vườn trữ nước ngọt tưới cho cây vào những tháng hạn, mặn xâm nhập giúp cây phát triển tốt đạt năng suất ổn định.
Bà Lê Thị Út, xã Phú Túc, huyện Châu Thành cho biết, gia đình có 6.000m2 đất trồng dừa. Bà trồng xen ca cao tại khoản trống giữa hai cây dừa, tận dụng hết diện tích đất để canh tác. Hiện nay, cây cho trái ổn định, mỗi tháng thu hoạch 5-6 lần. Nhờ đó, mỗi tháng bà Út có thêm thu nhập 4-5 triệu đồng từ nguồn bán trái ca cao.
Bà Út chia sẻ, cây ca cao dễ chăm sóc, vừa chăm sóc vườn cây ca cao kết hợp chăm vườn dừa, cho nên năng suất ổn định cả hai loại cây. Từ đó, thu nhập người dân sẽ tăng lên trên cùng diện tích đất canh tác.
Ông Vincent Mourou – Tổng giám đốc Công ty TNHH Socola Marou cho biết, hạt ca cao ở mỗi vùng của Việt Nam rất khác nhau; trong đó, ca cao trồng trại Bến Tre rất đặc biệt, cho ra hương vị đặc trưng riêng. Ca cao ở Bến Tre rất ngon và được lên men tốt nữa thì chất lượng chocolate tuyệt vời. Hiện công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Đồng thời, chuyển giao cây giống, quy trình sản xuất cho người dân an tâm canh tác.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay diện tích ca cao trên toàn tỉnh là 148ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành (139ha). Cây ca cao phát huy hiệu quả rất tốt khi trồng xen trong vườn dừa, giúp tăng thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích canh tác. Hiện ngành chức năng tỉnh đang khuyến khích người dân trồng ca cao xen vườn dừa giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, kết nối các công ty thu mua, liên kết với người nông dân, giúp người dân an tâm sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ nông dân quy trình sản xuất để cây ca cao cho năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, giúp cây ca cao phát triển bền vững trong thời gian tới.