Bộ Nông nghiệp phủ nhận thông tin người trồng lúa lãi 100%

Theo đó, mức lãi 30% được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông khẳng định là “đã tốt lắm rồi”.

Lợi nhuận người trồng lúa lãi 100%?
Lợi nhuận người trồng lúa lãi 100%?

Thông tin người trồng lúa lãi 100% được đưa ra thảo luận tại tổ chức họp báo thường kỳ quý I và nêu một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Trước đó, trong báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ Công thương đánh giá chung rằng lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân, đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước.

Dẫn chứng được Bộ Công thương đưa ra đó là, giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg. Song, mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg, như vậy người nông dân có lợi nhuận trên 100%.

Trong buổi họp hôm 31/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã phủ nhận điều này. Ông cho biết: “Lợi nhuận người trồng lúa lãi 100%? Tôi xem báo rồi, không phải đâu. Bà con trồng nhỏ lẻ lãi trên 30% đã tốt lắm rồi, tất nhiên càng nhiều thì càng tốt”.

Chia sẻ rõ hơn, ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết trong vấn đề lợi nhuận lúa gạo, nếu chỉ tính giá thành đầu vào thì người dân lời khoảng 21-22 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác như công lao động, vận chuyển, thu hoạch của người dân.

“Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong nhiều năm Chính phủ cũng như các địa phương phấn đấu trên dưới 30% lợi nhuận trong sản xuất lúa là phù hợp. Hằng năm, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có đánh giá về giá thành lúa gạo để có chính sách liên quan”, ông Lê Văn Đức thông tin thêm.

Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định năm 2023 là năm khó khăn với ngành nông nghiệp, đòi hỏi “điều hành phải linh hoạt, giải pháp phải kịp thời”. Điều này do ngành nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới và các yếu tố địa chính trị, cộng thêm sức mua suy giảm.

Tuy nhiên, điểm sáng là tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông, lâm, thủy sản trong quý 1/2023 tăng 2,52% so với cùng kỳ 2022, trong đó nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.

Đặc biệt, vấn đề an ninh lương thực hoàn toàn được đảm bảo. Thứ trưởng dẫn số liệu cho thấy lũy kế đến trung tuần tháng 3, cả nước gieo cấy được hơn 3,2 triệu ha lúa, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch đạt hơn 1,3 triệu ha, tăng 5,9% với năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha nên sản lượng thu hoạch đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%”.

“Tại Đồng bằng sông Cửu Long, năng suất lúa đông xuân 2021 – 2022 ước đạt 71,91 tạ/ha, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Hiệu quả của người trồng lúa đã được khẳng định”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng