Giá cà phê: nông dân cười, doanh nghiệp “mếu”

Hai tháng trước, Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) dự báo giá cà phê rubusta xuất khẩu năm nay bình quân ở mức 1.800 đô la Mỹ/tấn.

Nhưng cuối tháng 6 này, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải khóc ròng vì giá chỉ còn 1.250 đô la Mỹ/tấn mà không ai mua.

Điều đặc biệt là đợt rớt giá cà phê đột ngột trong hai tuần cuối tháng 6 này được các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê xem là “tồi tệ nhất trong vòng hơn 10 tháng qua” lại chỉ tác động tới các nhà xuất khẩu cà phê, còn nông dân thì chẳng hề hấn gì và cái giá cà phê nhân trong nước 21.000-22.000 đồng/kg hiện nay chỉ là giá tham khảo.

Nhà máy chế biến cà phê nhân của Công ty Thái Hòa ở Đồng Nai

“Chết” vì đồng đô la Mỹ mạnh lên

Công ty ACC, một doanh nghiệp kinh doanh nông sản khá may mắn khi ngay từ tháng 2 đã rút chân ra khỏi thị trường cà phê, chuyển sang các loại nông sản khác, dù lúc ấy giá cà phê thế giới và trong nước hồi phục và giằng co quanh mức giá 25.000 đồng/kg cà phê nhân.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Công ty ACC, bởi giá cà phê rớt thảm hại, từ mức giao dịch hơn 2.000 đô la Mỹ/tấn cà phê nhân robusta ở thị trường London, trong nước thì giá xuất tại cảng Sài Gòn dao động quanh 1.500-1.550 đô la Mỹ/tấn vào tháng 2, thì hai tuần qua giá cà phê rớt thê thảm. Giá giao dịch tại London cho cà phê giao vào tháng 9 chỉ còn 1.290 đô la Mỹ và trong nước là 1.200-1.250 đô la Mỹ/tấn.

Ông Trần Tuyên Huấn, Giám đốc điều hành ACC cho biết do từ tháng 2 tới đầu tháng 6 này, đồng đô la Mỹ yếu nên các quỹ đầu tư, đầu cơ trên thế giới đã ồ ạt đổ sang mua các loại nông sản, trong đó có cà phê và đẩy giá cà phê tăng mạnh. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp trong nước đổ xô mua cà phê trong nước và ký hợp đồng với nước ngoài, nhưng lo sợ giá còn lên nữa nên không dám chốt giá trước, chờ khi giao hàng mới chốt giá.

“Chúng tôi ai cũng đoán được đô la Mỹ thế nào cũng mạnh lên, nhưng khó ai đoán cụ thể nó mạnh lên bắt đầu khi nào, nên khi nó mạnh lên vào giữa tháng 6 thì các quỹ đầu tư lớn bắt đầu xả hàng, giá bắt đầu rớt mạnh đột ngột, dù lỗ bán cũng chẳng ai mua”, ông Huấn cho hay.

Khi tăng giá trên thị trường giao dịch kỳ hạn London và New York, thì cà phê tăng mạnh nhất trong các loại nông sản. Khi rớt giá, nó cũng rớt giá mạnh nhất. Theo phân tích của ông Huấn thì chỉ trong vòng 1 tuần qua, giá cà phê giao dịch ở London rớt hơn 20%, có ngày giao dịch mà giá cà phê rớt tới 140 đô la Mỹ, tức hơn 10%.

“Cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam lúc sụt giảm đỏ cả sàn vào đầu năm nay, thị trường giao dịch cà phê bây giờ gần như chỉ có lệnh bán chứ không có lệnh mua”, ông Huấn ví von.

Ông Nguyễn Văn An, thành viên Ban chấp hành Vicofa cũng có lý giải tương tự. Ông An còn cho biết thêm là hiện giá cà phê robusta còn chưa có đáy, liên tục trồi sụt thất thường. Còn ở trong nước, các nhà xuất khẩu bị thua lỗ là do ký hợp đồng giao xa lúc giá cao với nhà nhập khẩu nước ngoài, chấp nhận mua hàng hóa trong nước với giá cao, chờ cơ hội chốt giá trên thị trường London cao hơn. Tất nhiên, các nhà xuất khẩu không ngờ giá giao dịch ở London giảm mạnh.

Nhà xuất khẩu “mếu”

Nếu như bình thường, giá cà phê xuất khẩu hay giá thế giới tụt giảm, nông dân, đại lý kinh doanh cà phê chịu thiệt thì đợt rớt giá này, nhiều chuyên gia cà phê cho là chỉ có doanh nghiệp “bị vặt lông” chứ nông dân thì không hề hấn gì, bởi lượng cà phê trong nông dân gần như không còn, khi mà các tháng trước doanh nghiệp đổ xô mua nhập kho để chờ giá thế giới lên cao. Hơn nữa, mùa vụ thu hoạch cà phê cũng đã kết thúc cách nay vài tháng.

Nông dân trồng cà phê gần như không bị tác động trong đợt rớt giá lần này của thị trường cà phê thế giới. Ảnh: Hồng Văn.

Bà Phan Thị Thanh, vừa là chủ trang trại cà phê, vừa là đại lý thu mua cà phê ở thị trấn Ea Pốc, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk cho biết bà cũng như nông dân hay các chủ đại lý cà phê khác trong vùng đã bán hết cà phê trong kho của mình cho các nhà xuất khẩu từ cách nay vài tháng, thậm chí có người còn bán hết từ tháng 2, khi giá cà phê lên cao.

“Lúc đầu nông dân và đại lý chúng tôi ai cũng ngỡ mình bị hố, vì lúc ấy giá đang lên. Nay thì ngược lại, nhà xuất khẩu ham lời mới bị hố”, bà Thanh nói.

Theo Trung tâm xúc tiến thương mại-đầu tư và du lịch Đắk Lắk, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh, nơi có sản lượng cà phê chiếm gần một nửa của Việt Nam, đã phải ngưng giao dịch, chấp nhận lỗ chờ đợi thời cơ. Thế nhưng, một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở tỉnh này đang “ôm” trong kho hàng chục ngàn tấn cà phê nhân thì lo lắng, bởi cứ qua một đêm (giờ giao dịch cà phê ở thị trường London nhằm vào ban đêm của Việt Nam), công ty ông mất đi hàng chục tỉ đồng vì giá giảm.

Theo thống kê thì 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 736.000 tấn cà phê nhân với kim ngạch 1,098 tỉ đô la Mỹ, tăng 22% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch lại giảm 12%, bình quân giá xuất khẩu gần 1.500 đô la Mỹ/tấn. Vicofa dự báo sản lượng cà phê nhân xuất khẩu cả năm nay 980.000 tấn, giảm 8% so với năm ngoái.

Mấy tháng trước, giá cà phê thế giới và trong nước tăng, nông dân bán cà phê tính ra quanh mức 25 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp mua nhập kho quy ra 26-27 triệu đồng/tấn thì nay giá cà phê xuất khẩu quy ra chỉ còn 19-20 triệu đồng/tấn, tức cứ 1.000 tấn chất trong kho thì lỗ 6-7 tỉ đồng. “Bây giờ giá cà phê trong nước mang tiếng là 22 triệu đồng/tấn nhưng đó là giá danh nghĩa, vì thực chất chỉ còn 19-20 triệu đồng/tấn nếu quy ra giá thế giới”, doanh nghiệp này cho hay.

Cán bộ của Văn phòng đại diện một công ty nhập khẩu cà phê nước ngoài tại TPHCM tiết lộ nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang găm giữ trong kho từ vài ngàn tới vài chục ngàn tấn cà phê.

Khi các nhà xuất khẩu trong nước “ôm cà phê trong kho nhìn giá rớt qua từng đêm” trong hai tuần qua, việc Vicofa mới lên tiếng cảnh báo trường hợp ký hợp đồng giao xa phải chốt giá sớm khi có xu hướng giảm là đã quá muộn. Hơn nữa, khó ai đoán trước được thị trường London hay New York khi nào có xu hướng giảm.

Ông An ở Vicofa thì đoán tới tháng 8 giá cà phê thế giới sẽ tăng trở lại, nhưng ông Huấn thì lo vì không biết các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đồng nghiệp của ông có đủ sức trả lãi suất ngân hàng khi vay mua cà phê nhập kho giá cao hay không.

Xem thêm: Thua là phải!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84