Giá chanh dây tăng cao khiến người dân ở Tây Nguyên sẵn sàng phá bỏ diện tích cà phê đã đầu tư nhiều năm để trồng chanh dây
Diện tích trồng chanh dây ở Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai, đang tăng chóng mặt. Thay vào đó, những vườn cà phê đang bị thu hẹp dần. Trong khi đó, tình trạng “được mùa mất giá” từng xảy ra đối với cây trồng này ở Tây Nguyên mà hậu quả là chanh dây bán chẳng ai mua.
Chạy theo lợi nhuận
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng chanh dây nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Trong thời gian qua, diện tích loại cây trồng này tăng nhanh khi người dân sẵn sàng chuyển đổi các vườn cà phê kém hiệu quả để trồng chanh dây. Năm 2022, toàn huyện Mang Yang có 382 ha chanh dây thì 3 tháng đầu năm nay đã tăng gần 500 ha. Còn năm 2016, toàn huyện Chư Păh chỉ có vài chục hecta trồng chanh dây thì nay đã tăng lên trên 500 ha. Các huyện khác như Đăk Đoa, Chư Prông, Ia Grai… diện tích trồng chanh dây cũng tăng lên từng ngày.
Từ 2 tháng trước, anh Phạm Văn Trường (làng Mơn, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã phá bỏ vườn cà phê 1 ha để trồng chanh dây. “Vườn cà phê cho năng suất thấp nên tôi phá đi. Trong thời gian chờ cải tạo đất, tôi trồng chanh dây. Hiện chanh dây giá cao, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn nên lấy ngắn nuôi dài” – anh Trường nói. Xung quanh vườn chanh dây của anh Trường có nhiều hộ dân cũng đã phá bỏ vườn cà phê để trồng chanh dây.
Bà Mai Thị Tiên cũng mới chuyển đổi vườn cà phê 5 ha tại phường Yên Thế, TP Pleiku sang trồng chanh dây được 4 tháng nay. Để tiết kiệm chi phí, bà Tiên giữ lại thân cây cà phê để làm giàn cho chanh dây. Theo bà Tiên, do chanh dây giá đang cao, đã được doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra nên mạnh dạn chuyển đổi từ cà phê để trồng chanh dây.
Trái chanh dây giá cao nên đầu năm 2022, anh Ngô Văn Doanh (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) quyết định phá bỏ vườn cà phê 1,4 ha để trồng chanh dây. Sau 3 lần thu hoạch, thấy có lãi nên vừa qua anh Doanh tiếp tục phá bỏ 6 sào cà phê để chuyển sang cây trồng này.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Gia Lai, cho biết toàn tỉnh hiện có 4.500 ha trồng chanh dây. Theo quy hoạch, đến năm 2025 diện tích tăng lên khoảng 25.000 ha. Đây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới vì so với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Cần cẩn trọng
Hiện 1 ha cây chanh dây được đầu tư khoảng 150 triệu đồng, với giá hiện tại khoảng 14.000 đồng/kg loại chanh bình thường và 35.000 đồng/kg chanh chọn để xuất khẩu, người trồng có thể thu nhập 300-400 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 3 lần trồng cà phê.
Thế nhưng, trước tình trạng ồ ạt phá bỏ cà phê trồng chanh dây, nhiều người không khỏi lo lắng khi nhớ đến tình cảnh ôm nợ vì chanh dây 6 năm trước.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất – thương mại – dịch vụ – du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), cho rằng nhiều nông dân chặt bỏ cà phê để trồng chanh dây là điều đáng báo động. “Nếu người dân đổ xô trồng, diện tích chanh dây tăng nhanh, vượt công suất của các nhà máy, vượt sức mua của thị trường thì lúc đó giá sẽ xuống thấp, người dân lại thua lỗ là điều không tránh khỏi” – ông Thanh cảnh báo.
Ông Võ Minh Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mang Yang, cũng cho rằng các địa phương cần khuyến cáo nông dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây. Hiện nay, người dân trồng chanh dây vẫn thiếu gắn kết chặt chẽ với cơ sở chế biến. Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, chưa hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi bền vững.
Năm 2017, cũng chính cây chanh dây đã làm nhiều người dân Tây Nguyên méo mặt khi giá rớt thảm hại từ 35.000 đồng/kg năm 2016, chỉ còn 3.000 – 5.000 đồng/kg năm 2017. Nhiều người đã phải ôm nợ khi phá bỏ cà phê để trồng chanh dây.
Thế nhưng, ông Đoàn Ngọc Có lại trấn an rằng tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chanh dây hàng đầu thế giới, sản xuất trên 200.000 tấn sản phẩm/năm và đang có kế hoạch nâng công suất trong những năm tới. Bên cạnh đó, chanh dây đã được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và xuất sang các nước châu Âu, Mỹ Latin, Malaysia, Hàn Quốc… nên không đáng lo ngại về việc phụ thuộc vào thị trường (?!).
UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích trồng chanh dây tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống… Để phát triển bền vững cần xây dựng kế hoạch phát triển theo vùng tập trung, gắn với đầu tư hạ tầng, chế biến.
Phá cà phê là sự lựa chọn đúng , so với giá thị trường phân thuốc lên gấp 3 lần so với trước đây 5 năm mà cà phê chả lên gì cả một cây cà trung bình Cho 3 kg nhân trong khi đó công làm hiện nay 250 đến 350 ngàn một công hiện tại cũng không lợi nên phá cà là đúng để càng chết
Việc thay đổi cây cà phê là hợp lý và cần quy hoạch lại diện tích trồng. Tiền phân và công chăm sóc khiến người làm cà phê không còn gì thì tại sao phải làm. Đừng trách dân mà hãy trách bộ phận quản lý nông nghiệp yếu kém để người dân phải làm theo kiểu trồng rồi chặt. Chả ai muốn điều đó !
Mong các ban ngành quan tâm đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy chế biến hết công suất, để giữ giá chanh dây ổn định, để người dân bớt vất vả, tránh cảnh được mùa mất giá.
Đầu tư nhà máy không khó. Đầu ra cho các loại cây ăn quả chế biến nói chung mới là quan trọng !