Xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia không những có nền tảng sản xuất, đóng gói tốt mà thương hiệu tại thị trường tỷ dân này cũng mạnh hơn Việt Nam. Để thắng được, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu.
Chia sẻ với báo VietNamNet, ông Huỳnh Tấn Lộc – Giám đốc HTX Sầu riêng Riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) – cho biết, so với mức đỉnh tháng 1 và đầu tháng 2 vừa qua, giá sầu riêng đã hạ nhiệt, nhưng vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, sầu riêng Ri6 hàng loại 1 đang được hợp tác xã của ông thu mua với giá 95.000 đồng/kg, sầu Monthong loại 1 giá 135.000 đồng/kg.
“Sầu riêng đang chớm vụ thu hoạch mới nên sản lượng vẫn chưa nhiều. Sầu cắt từ các vườn vẫn không đủ hàng để phục vụ hoạt động xuất khẩu”, ông nói. Theo đó, hợp tác xã của ông 2 ngày gom mua được 18 tấn sầu riêng, đủ đóng một container xuất khẩu.
Cơn sốt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, giá sầu riêng thu mua tại vườn neo ở mức cao. Các vựa, doanh nghiệp vẫn ráo riết gom hàng với số lượng lớn để xuất sang thị trường này.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), thông tin, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Tính tổng các đợt phê duyệt, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư ký kết với phía Trung Quốc.
Trong khi, các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng mạnh. Tại diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)”, sáng 8/3, ông Tô Vạn Quang, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng, cho biết, năm nay, chỉ riêng sầu riêng doanh nghiệp dự kiến mua 35.000 tấn, trong đó mua từ Việt Nam 15.000 tấn.
“Chúng tôi rất mong kết nối với các đối tác tham dự online hoặc trực tiếp ở diễn đàn”, ông Quang nói.
Trước đó, bà Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc – cũng cho hay, lần về nước này bà mang theo đơn hàng sầu riêng lên tới 150.000 tấn.
Khi đề cập đến câu chuyện thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc), cho biết, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia.
Thái Lan và Malaysia có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu tốt, quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn. Đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.
Bởi vậy, Sunwah đề xuất Bộ NN-PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển…
“Để thắng trên thị trường thì phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.
Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, chiều ngược lại thì ít. Tuy vậy, hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế. Do đó, vị đại diện này cũng đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, năm nay, Thái Lan tự nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào, nhờ đó vận chuyển sầu sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đường biển. Đây là động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.
Thực tế, sầu riêng Thái Lan chỉ có theo mùa, trong khi tại Việt Nam sầu cho thu hoạch quanh năm. Cuối năm 2022, sầu Việt được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gần như không gặp cạnh tranh với các thủ khác.
Từ cuối tháng 3 và tháng 4, cả Thái Lan và các vùng trồng sầu riêng nước ta bước vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng tặng mạnh. Khi đó, cuộc cạnh tranh giữa sầu Thái và sầu Việt mới chính thức bắt đầu.