Cụ ông người Đức 92 tuổi Siegfried Kaulfuß, người đến Việt Nam ngay khi chiến tranh kết thúc đã chia sẻ những ký đẹp trong việc góp sức phát triển cây cà phê Việt Nam.
“Tôi đã góp phần nhỏ bé vào sự phát triển cây cà phê Việt Nam, song không phải là người duy nhất tạo nên điều đó” – cụ ông người Đức 92 tuổi Siegfried Kaulfuß mở đầu như vậy và cũng kết thúc bằng câu nói này.
Bên cạnh người bạn đời là nhà kinh tế thực phẩm, ông Kaulfuß thực sự xúc động khi nhớ lại những ngày đầu tới Việt Nam tìm cách trồng cây cà phê tại vùng đồi núi có độ cao 600m ở Tây Nguyên.
*Từ những ký ức nguyên vẹn…
40 năm trước, Phó Chủ nhiệm Nhà máy liên hợp Cà phê và Thực phẩm VEB của CHDC Đức Kaulfuß được cử đứng đầu nhóm chuyên gia sang Việt Nam xúc tiến dự án trồng cây cà phê.
Ông tâm sự: “Khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam gặp khó khăn lớn về kinh tế và khẩn trương tìm kiếm nguồn tiền từ nước ngoài. Lúc đó, tình huống tương tự cũng xảy ra ở CHDC Đức khi cà phê phải được trả bằng USD, thứ mà CHDC Đức không có“.
Năm 1979, Chính phủ CHDC Đức và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý tiến hành khảo sát việc trồng cà phê và sau đó ngày 20/10/1980 tại Hà Nội, hai bên ký thỏa thuận hợp tác sản xuất cà phê nguyên liệu và chuyển nguyên liệu sang CHDC Đức tinh chế.
Dự án được phê duyệt dành cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá tương đương 32 triệu ruble chuyển đổi nhằm xây dựng các nông trường trồng 10.000 ha cà phê ở Đắk Lắk.
Thời điểm đó, CHDC Đức còn nhiều khó khăn và khan hiếm cà phê nên rất muốn đầu tư để có nguồn cà phê tiêu dùng cho người dân.
Sau khi ký thỏa thuận, các chuyên gia hai bên, trong đó có Viện Nông nghiệp nhiệt đới ở thành phố Leipzig, đã dày công nghiên cứu cách thức và nơi trồng phù hợp với cây cà phê và cuối cùng quyết định chọn Đắk Lắk để triển khai dự án.
Ông Kaulfuß cùng khoảng 10 chuyên gia về nông nghiệp nhiệt đới của Đức đã mang theo 6.000 cây cà phê giống từ Leipzig sang Việt Nam và từ Hà Nội phải mất 3 ngày để tới Buôn Ma Thuột.
Trong tâm trí cụ ông hơn 90 tuổi vẫn chưa phai mờ khoảng thời gian cùng đồng nghiệp và người dân Tây Nguyên “khai hoang” những vùng đất rừng núi hoang sơ để gây dựng nên những nông trường cà phê đầu tiên tại đây.
Ông nhớ rõ rằng khi bắt tay vào dự án phải đối mặt với vô vàn thách thức, rất khó chọn địa điểm cụ thể để trồng cà phê do nơi đâu cũng bị chiến tranh tàn phá và nguy cơ bom mìn còn sót lại trong đất luôn hiện hữu.
Tuy nhiên, cuối cùng dự án cũng đã được thực hiện, không chỉ nhờ đội ngũ chuyên gia Đức mà chính là nhờ sự sẵn sàng và tận tâm của các đồng nghiệp Việt Nam.
Ông Kaulfuß chia sẻ: “Đức chỉ có thể hỗ trợ về kinh nghiệm và máy móc, song việc thực thi lại do chính những người Việt cực kỳ chăm chỉ làm nên”.
Khi bắt tay vào triển khai, khu vực trồng cà phê hầu như vắng bóng người, phải đi kêu gọi mọi người đến. May mắn là thời điểm đó tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố lớn khá cao và nhiều người đã tự nguyện tới đây để trồng cà phê.
Để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người trồng cà phê, Đức cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà cửa, đường sá, trường học, trạm y tế, nhà máy điện, nước…
Hồi tưởng những ngày đó, ông chỉ biết diễn tả là “khoảng thời gian tuyệt vời, khi mà người dân không có bất cứ thứ gì, không có gì để ăn, để mặc, nhưng rất thân thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Đó là lý do tôi có mối liên hệ sâu sắc với Việt Nam cho đến ngày nay”.
Đến năm 1991, thời điểm phải trả số cà phê nguyên liệu cho CHDC Đức theo hợp đồng cũng là lúc 10.000 ha cà phê đã cho thu hoạch, song lúc đó, CHDC Đức đã sáp nhập vào CHLB Đức và nước Đức không muốn nhận cà phê nữa.
Ông Kaulfuß nhớ lại, để tìm “đầu ra” cho những sản phẩm cà phê nguyên liệu Việt Nam thời điểm đầu, ông đã tới nhiều thành phố, liên hệ với nhiều nhà nhập khẩu để quảng bá cho cà phê Việt Nam với mong muốn xuất khẩu được thứ cà phê nguyên liệu Robusta mà ông đã góp công vun trồng.
Ông cũng cho biết phải mất một thời gian, cà phê Việt Nam mới được thị trường thế giới chấp nhận và thành công như hiện nay, là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới, điều không thể tưởng tượng khi dự án cà phê ở Việt Nam bắt đầu được khởi sự vào những năm 1980.