Chỉ còn vài ngày nữa, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ chính thức diễn ra.
Quy mô lễ hội được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay càng khiến những người trực tiếp làm ra những quả cà phê chín mọng “gây nghiện” hàng triệu triệu người trên thế giới thêm hào hứng.
Tháng ba Tây Nguyên hanh hao nắng gió là thời điểm những vườn cà phê khoe sắc trắng phủ kín khắp sườn đồi. Ông Y Tun Êban (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, để hoa cà phê nở đồng loạt, gia đình đã huy động 2 máy nổ công suất lớn tưới cho vườn cây rộng 1 ha.
Ông Y Tun nói, vụ vừa qua (hái trước Tết Nguyên đán), gia đình ông thu hoạch hơn 3 tấn cà phê nhân, bán với giá 45.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, nhân công thu hoạch…, ông Y Tun còn lãi được vài chục triệu đồng. Số tiền này tuy không nhiều, song ông Y Tun cho rằng đã khá hơn những năm trước.
Chia sẻ về kỳ vọng trước thềm Lễ hội cà phê, ông Y Tun nói, rất háo hức mong chờ sự kiện này. Bởi đây là ngày hội tôn vinh người trồng, chế biến cà phê, và là cơ hội kết nối thêm các đơn vị thu mua, xuất khẩu…đưa ly cà phê đặc trưng Tây Nguyên đi khắp thế giới. Do đó, ông Y Tun hy vọng sau lễ hội giá cà phê sẽ tăng và ổn định.
Còn ông Y Lâm Byă (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) rất thích Hội thi nhà nông đua tài. Đây là một trong 18 hoạt động chính của lễ hội cà phê. Bởi đây là sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho người trồng cà phê.
Tại đây, người nông dân sẽ có thêm những kiến thức liên quan đến kỹ thuật chăm sóc cà phê trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cách tưới nước tiết kiệm, canh tác cà phê bền vững, quy trình tái canh cà phê sao cho hiệu quả, cũng như cập nhật các chính sách của nhà nước liên quan đến người trồng cà phê.
Ông Y Lâm nói sẽ sắp xếp công việc để lên TP Buôn Ma Thuột (nơi diễn ra sự kiện) để hòa cùng không khí nhộn nhịp của lễ hội. Ông sẽ dành nhiều thời gian tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu các máy móc phục vụ trồng, sơ chế cà phê; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại…
Bà Lương Thị Oanh- Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) chia sẻ, rất mong muốn lễ hội sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Từ đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ có thêm nhiều cơ hội quảng bá văn hóa cà phê, sự kỳ công để làm nên ly cà phê tuyệt hảo phục vụ người tiêu dùng.
Về phía HTX, bà Oanh cũng bố trí một không gian ngay tại nhà để phục vụ cà phê miễn phí cho du khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình trồng, chế biến, làm nên hạt cà phê.
Ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 cho biết, lễ hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần.
Lễ hội nhằm mục đích tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định mạnh mẽ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Ông Hà thông tin thêm, cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội và đã đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Do đó, Ban tổ chức lễ hội cà phê dành nhiều tâm sức thực hiện sự kiện quan trọng này như chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”.
Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc.
Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.