Sầu riêng có nguy cơ thành sầu… chung

Khoảng 2 tuần nữa là đến kỳ thu hoạch chính vụ sầu riêng. Sau khi đạt đỉnh vào dịp Tết Quý Mão, giá sầu riêng hiện đang giảm và có thể còn tiếp tục giảm mạnh.

Ông Phan Văn Hoằng – chủ 8 công (8.000m2) sầu riêng ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – cho biết, đầu tháng 2/2023, giá sầu riêng Monthong (Thái Lan) được thương lái mua tại vườn từ 160.000-180.000 đồng/kg, thậm chí 200.000 đồng/kg.

Tuy nhiên đến cuối tháng, giá sầu riêng Monthong giảm còn 120.000-130.000 đồng/kg; giá sầu riêng Ri6 từ 120.000-130.000 đồng/kg cũng giảm còn 90.000-100.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng vẫn có lời nhưng không lời đậm như trước nữa.

Giá sầu riêng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang giảm và có thể tiếp tục giảm khi vào vụ thu hoạch chính
Giá sầu riêng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang giảm và có thể tiếp tục giảm khi vào vụ thu hoạch chính

Được biết, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 17.000ha. Khoảng giữa tháng 3/2023 các nhà vườn sẽ thu hoạch đồng loạt. Ông Phan Văn Hoằng dự đoán, khi đó, giá có thể giảm mạnh hơn.

Ông Trần Văn Chiến – Giám đốc Hợp tác xã Trái cây Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) – cũng cho hay, giá sầu riêng Ri6 ở địa phương này hiện giảm còn khoảng 100.000 đồng/kg và khó giữ được mức giá này khi vào vụ thu hoạch chính.

Xem thêm: Trồng sầu riêng lợi nhuận gấp 20 lần trồng lúa?

Theo các nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Bến Tre, trước và sau Tết Quý Mão, sầu riêng chưa vào chính vụ thu hoạch, lượng trái cung ứng ra thị trường ít, lại gặp “cơn sốt” xuất khẩu sang Trung Quốc nên giá mới cao kỷ lục. Sắp tới đây, người trồng chỉ mong sầu riêng giữ giá từ 50.000-70.000 đồng/kg là mừng.

Ngày 23/2, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã gửi công văn đề nghị sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo phát triển cây sầu riêng theo đúng định hướng, quy hoạch. Theo Cục Trồng trọt, ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững cây sầu riêng, nhưng hiện nay, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển “nóng” ở các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đáng lưu ý là việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp hoặc phá cây cà phê, hồ tiêu để trồng xen sầu riêng, chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng.

Cục Trồng trọt cảnh báo, nguy cơ sầu riêng cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ, rớt giá là khó tránh khỏi. Thêm nữa, việc trồng sầu riêng ở các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sầu riêng.

Theo đề án của Bộ NN-PTNT về phát triển bền vững cây ăn trái chủ lực đến năm 2030, diện tích sầu riêng cả nước được quy hoạch khoảng 65.000 – 75.000ha. Thế nhưng, đến nay, chỉ riêng ở các tỉnh phía Nam, diện tích trồng sầu riêng đã lên khoảng 80.000ha và tiếp tục tăng thêm. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% sản lượng sầu riêng được xuất sang Trung Quốc.

Ông Trần Hữu Nghị – Phó phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre – cho biết, toàn huyện hiện có 1.200ha trồng sầu riêng. Phòng đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng mà nên thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vùng trồng… để dễ dàng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, xuất khẩu trái.

Ông Trần Văn Chiến cũng cho hay, Hợp tác xã Trái cây Trường Khương A đã khuyên xã viên không trồng thêm sầu riêng mà nên tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng mã số vùng trồng để dễ xuất khẩu.

Các nhà chuyên môn được hỏi đều nhận định: Nếu nông dân không tuân thủ khuyến cáo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nhiều nguy cơ sầu riêng sẽ trở thành sầu… chung.

>> Sầu riêng, sầu chung

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng