Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cho sản phẩm sầu riêng Việt Nam thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mới 230 mã số sầu riêng cho Việt Nam, cụ thể có 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói.
Các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất. Trong đó, Tiền Giang cũng được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và được dự báo ngay trong năm nay có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới đã mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam từ ngày 7.9.2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong lần đầu tiên, nước này đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Từ đó đến nay, giá sầu riêng nội địa Việt Nam liên tục tăng cao, nhiều thời điểm lên đến 160.000 – 200.000 đồng/kg.
Trước tình hình đó, diện tích trồng sầu riêng cũng được mở rộng ở nhiều địa phương, bất chấp điều kiện tự nhiên không phù hợp. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo về thực trạng này.
Theo đó, các tỉnh Tây nguyên và ĐBSCL đang có hiện tượng phát triển “nóng” về diện tích cây sầu riêng, đặc biệt là tình trạng tăng diện tích trồng ở những nơi có điều kiện sinh thái, khí hậu, đất đai không phù hợp. Ở nhiều địa phương ghi nhận có hiện tượng người dân chặt, phá cây cà phê, hồ tiêu trồng sầu riêng.
Người dân trồng theo phong trào, không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng của Việt Nam.