Cà phê vùng Tây Nguyên chiếm trên 91% tổng diện tích cà phê cả nước.
Để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững không thể thiếu đội ngũ khuyến nông cộng đồng. Đây được xem là “mắt xích” quan trọng trong việc kết nối nông dân với các nguồn lực để sản xuất theo chuỗi mang lại hiệu quả tốt nhất.
“Xương sống” của phát triển vùng nguyên liệu
Hiện Việt Nam có hơn 710 nghìn ha trồng cà phê, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn.
Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước. Mặc dù diện tích sản xuất lớn nhưng thực trạng sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân vùng Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao.
Cùng với đó là kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, để “hóa giải” những khó khăn này và khai thác tốt lợi thế vùng nguyên liệu lớn, Đề án khuyến nông cộng đồng được thí điểm triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, trong đó có vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum).
Từ năm 2021 đến nay, riêng vùng nguyên liệu cà phê xây dựng được 8 tổ khuyến nông cộng đồng, với 42 thành viên. Việc xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng trong giai đoạn hiện tại nhằm kiện toàn công tác khuyến nông cơ sở, đặc biệt là cấp xã, lấy HTX nông nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; tăng cường nhiệm vụ khuyến nông theo hướng dịch vụ, bám vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển HTX (vận động, tư vấn thành lập HTX, tư vấn tổ chức sản xuất,…); thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số; đa dạng các loại hình hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ, ưu tiên phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Đắk Lắk là một trong những địa phương thực hiện đề án và đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị” tại hai xã Ea Tóh và Phú Lộc (huyện Krông Năng). Để tiếp cận với các yêu cầu đổi mới trong hoạt động khuyến nông, các tổ khuyến nông cộng đồng đã hỗ trợ thành lập, duy trì tổ liên kết sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ với 40 thành viên tham gia, tổng diện tích 51 ha.
Thông qua các hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại mô hình đã giúp nhận thức của bà con nông dân trong vùng thay đổi phương pháp canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá cà phê nhân liên kết được đơn vị tiêu thụ sản phẩm mua với giá cao hơn so với thị trường từ 1.500 – 2.000đồng/kg nhân khô, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Tăng cường vai trò khuyến nông cộng đồng
Đánh giá về hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng ở vùng nguyên liệu cà phê, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, các tổ khuyến nông cộng đồng đang phát huy được vai trò của mình với đa dạng hoạt động khuyến nông như: tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình.
Việc này góp phần tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu; tham gia liên kết chuỗi giá trị, thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn; thực hiện sơ chế, đóng gói, bao tiêu hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên các HTX và nông dân, đồng thời thông tin định hướng thị trường sản phẩm nông sản…
“Khuyến nông cộng đồng chính là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và thị trường, là lực lượng chuyển giao kinh nghiệm sản xuất cho nông dân. Tổ khuyến nông cộng đồng có nhiệm vụ tư vấn, tạo sự liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững các vùng nguyên liệu”
_ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Tuy nhiên hiện nay, để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động thực sự hiệu quả, thực sự phát huy được sự đổi mới của công tác khuyến nông, các tổ khuyến nông cộng đồng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho những thành viên tham gia; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ…
Theo các doanh nghiệp ở lĩnh vực cà phê, đội ngũ khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các khâu đầu vào cho nông dân trong sản xuất, bảo đảm cho sản phẩm đạt chuẩn. Đồng thời, là “mắt xích” kết nối để chuyển giao khoa học kỹ thuật của Nhà nước đến nông dân, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Tuy nhiên, cần đào tạo về kỹ thuật, thông tin thị trường, kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông để đáp ứng bối cảnh hội nhập.
Từ thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trương sẽ nâng cao năng lực và tích hợp thêm nhiều giá trị đối với các tổ khuyến nông cộng đồng. Giai đoạn đầu, bên cạnh các hoạt động truyền thống là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ đào tạo trực tiếp cho những người tham gia tổ khuyến nông cộng đồng như: hỗ trợ kỹ thuật, phân tích thị trường, chuyển đổi số, các dịch vụ nông nghiệp.
Về hoạt động thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng; phát triển các định dạng ấn phẩm số, truyền thông số; mô hình nông dân công nghệ số; đa dạng nội dung và hình thức…