Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được cấp nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Cùng với đó, giá bán sầu riêng liên tục tăng cao, khiến nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp phấn khởi, vui mừng. Dù vậy, người dân vẫn còn nhiều tâm tư.
Nhiều tín hiệu vui
Tháng 9/2022, tỉnh Đồng Tháp có mã số vùng sầu riêng đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Vùng trồng sầu riêng này ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh rộng hơn 16 ha với 20 hộ tham gia.
Bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long phấn khởi vì vườn sầu riêng 10.000m2 của bà nằm trong vùng được cấp mã số. Bà Hương chia sẻ, khi được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, bà không còn lo điệp khúc trúng mùa rớt giá; tránh tình trạng thương lái ép giá vì có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long lo khâu tiêu thụ.
Nhiều năm nay, anh Cao Văn Sạch ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đã sản xuất 8.000m2 sầu riêng của gia đình theo hướng sạch. Trong phòng trừ sâu bệnh gây hại, anh áp dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất rải vụ, tránh tình trạng ứ hàng, dội chợ.
Tháng 9/2022, anh Sạch bán sầu riêng cho một công ty ở tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được khoảng 3 tấn trái với giá từ 73.000 – 80.000 đồng/kg. “Giá bán này cao gấp 2 lần so với lúc sầu riêng chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, việc buôn bán cũng dễ dàng, nhanh gọn hơn”, anh Sạch cho hay.
Hiện nay, nhu cầu về sầu riêng của thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhưng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa vào chính vụ thu hoạch nên sản lượng không nhiều. Do vậy, những ngày gần đây, giá sầu riêng tăng “nóng”, thương lái thu mua tại vườn với giá cao kỷ lục từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Mức giá này cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Sầu riêng đang có giá hấp dẫn như thế nên anh Cao Văn Sạch ở xã Mỹ Long rất vui mừng. Vì trong vườn sầu riêng của anh Sạch còn một số cây đang mang trái và gần đến ngày thu hoạch, ước lượng khoảng 4 tấn trái.
Ông Nguyễn Văn Chí Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh thông tin, trên địa bàn xã đã được cấp 4 mã số vùng trồng sầu riêng, diện tích hơn 92 ha của 151 hộ. Thời gian qua, Hội Nông dân xã tập trung tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn, có sổ ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Từ khi được cấp mã số vùng trồng đến nay, việc liên kết tiêu thụ sầu riêng thuận lợi hơn, giá bán tốt hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có 869 mã số vùng trồng với diện tích hơn 60.358 ha cùng các loại cây như lúa, xoài, mít, ớt, sầu riêng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 32 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, diện tích hơn 708 ha. Theo đó, 23 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gần 520 ha), còn lại là các vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nga, Mỹ, Australia…
Với giá bán trên 100.000 đồng/kg, giúp nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Tháp đạt lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha, cao gấp hàng chục lần trồng lúa.
Nhưng… tâm tư không ít
Nhu cầu thị trường về sầu riêng đang nóng, lợi nhuận của nhà vườn tăng cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng.
Tuy nhiên, với hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn, một số nông dân đang tính toán việc đầu tư trồng mới và mở rộng diện tích trồng sầu riêng.
Nếu điều này không được ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý tốt thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mất kiểm soát vùng trồng, dư thừa sầu riêng xuất khẩu và thiệt hại là người nông dân gánh chịu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền chia sẻ, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, thị trường Trung Quốc đóng cửa rất lâu, mới mở cửa lại nên nhu cầu về nhiều loại hàng hóa; trong đó, có sầu riêng là rất cao. Hiện nay, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng cả nước đang trên đà vượt nhu cầu. Đây là nguy cơ cảnh báo, sẽ gặp khó khi thị trường ổn định trở lại.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhận định, việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn đối với trái sầu riêng nếu không giữ được chất lượng vì hiện nay, sầu riêng của Việt Nam đang có nhiều nước cạnh tranh, nhất là Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, một số nông dân thấy giá tăng “nóng” nên chuyển sang trồng sầu riêng nhưng việc canh tác loài cây này không dễ dàng.
Từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất nhiều thời gian từ 4 – 5 năm và chi phí trồng sầu riêng rất cao, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Do vậy, đòi hỏi người đầu tư trồng sầu riêng phải có vốn mạnh. Nếu ít vốn, người trồng sẽ khó đạt kết quả như mong muốn, bỏ cuộc giữa chừng và dễ rơi vào bẫy nghèo, nợ nần.
Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác là điều cũng rất đáng ngại đối với người trồng sầu riêng. Như trường hợp bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đánh giá, sầu riêng là loại cây “khó tính”, nhất là vấn đề dinh dưỡng, quy trình chăm sóc. Càng khó khăn hơn khi xử lý cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ, rải vụ.
“Sầu riêng ra hoa rồi lựa, tuyển chọn hoa, thụ phấn cho hoa vào ban đêm để tỷ lệ đậu trái cao và tuyển trái… Từ lúc trồng tới khi thu hoạch tốn rất nhiều công sức, thời gian và chi phí. Bà con cần cân nhắc kỹ khi chọn trồng loại cây này”, bà Hương cho hay.
Hiện tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp là trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh quan tâm quản lý vùng trồng sầu riêng, xây dựng vùng trồng chuyên canh để thuận lợi cho cơ sở đóng gói, giảm chi phí sản xuất và kêu gọi nhà đầu tư chế biến sâu trái sầu riêng nhằm tăng giá trị.
Tỉnh Đồng Tháp đang tập trung việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng; giúp nhà vườn Đồng Tháp làm chủ kỹ thuật trồng “né” vụ, thu hoạch không cùng thời điểm với các vùng trồng ở trong và ngoài nước, tránh tình trạng cung – cầu lệch pha, sầu riêng trở thành “sầu chung” của nhiều nhà vườn.