Cuộc chiến tranh giành quyền làm chủ hàng tồn kho cà phê càng lúc càng lộ rõ tính lợi hại. Đối với người bán, cứ được giá là bán mà không cần phải đắn đo nhưng đối với người mua, đặc biệt là những tay có ý đồ đầu cơ trên sàn kỳ hạn, thì đây lại là chuyện khác.
Ngày cuối tuần, giá niêm yết sàn robusta London vùng lên tăng mạnh, cứu cả tuần giá yếu. Lượng tồn kho robusta được xác nhận chất lượng ngày càng vơi trong khi giá xuất khẩu từ Việt Nam cao, đầu cơ không cựa quậy gì được.
Tồn kho cà phê, một vũ khí lợi hại
Cuộc chiến tranh giành quyền làm chủ hàng tồn kho cà phê càng lúc càng lộ rõ tính lợi hại. Đối với người bán, cứ được giá là bán mà không cần phải đắn đo nhưng đối với người mua, đặc biệt là những tay có ý đồ đầu cơ trên sàn kỳ hạn, thì đây lại là chuyện khác.
Đối với sàn kỳ hạn Liffe NYSE, đầu cơ đã không biết bao nhiêu lần dùng chiêu “vắt giá” để kéo hàng đi. Và cũng chỉ nhờ vắt giá đưa giá tháng giao dịch gần lên cao mới có đủ “luận cứ” để đưa hàng sang nằm tại các kho do sàn kỳ hạn chỉ định.
Có lúc, giá cà phê Việt Nam bán theo chủng loại 2 Liffe NYSE, các tay đầu cơ mua được với mức trừ 100-150 đô la/tấn để đưa hàng sang châu Âu bán vào sàn với mức trừ 30 đô la/tấn.
Muốn bán vào Liffe NYSE, cà phê phải tuân thủ những quy tắc chất lượng khắt khe, qua kiểm định tại sàn ở London, nhưng vì giá rẻ, đầu cơ đã tích cóp có khi tồn kho được xác nhận chất lượng (certifieds) một lượng hàng khổng lồ, có khi gần 420.000 tấn.
Như một cảnh tỉnh tự nhiên, nông dân nước ta đã “vặn giá” xuất khẩu, chỉ trừ 40-50 đô la/tấn. Chính vì thế, lượng tồn kho được xác nhận tại các kho Liffe NYSE đang bé dần. Tính đến ngày 15-10-2012, số tồn kho này giảm mạnh thêm 10.830 tấn, chỉ còn 119.450 tấn. (xin xem biểu đồ 1 phía trên)
Trong khi đó, đối với sàn arabica tại Ice New York, lượng tồn kho ngày càng lớn trông thấy. Đến hôm qua, phiên giao dịch cuối tuần, lương tồn kho arabica được xác nhận chất lượng đạt mức 134.320 tấn, lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng, lượng tồn kho được xác nhận chất lượng của sàn kỳ hạn arabica Ice New York qua mặt lượng hàng robusta anh em (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Tồn kho tăng, nói lên điều gì? Một là giá arabica khá mềm để đầu cơ không bõ công tính toán đổ tiền vào; hai là, như sàn robusta trước đây, sàn arabica có thể sẽ có những bất ngờ nếu lượng hàng tồn kho được xác nhận đủ túc số để đầu cơ quyết định “đánh một trận ăn thua”.
Cho tới nay, tồn kho nằm trong tay đầu cơ, phải công bằng mà nói, chưa biết may hay rủi. Nhưng, dù sao, hiện tượng này đã giúp giá robusta liên tục cao trong nhiều năm, ít ra là trong hai năm đổ lại đây.
Nhìn vào tồn kho, robusta thì càng lúc càng vơi, arabica càng lúc càng đầy. Điều này hoàn toàn do giá vận hành theo ý đồ của những tay làm chủ nguồn hàng.
Từ nhiều năm nay, những người nghiên cứu cung-cầu hay phát hoảng vì tại sao lượng hàng nhiều thế và giá không giảm. Có nhiều hãng kinh doanh đành sập tiệm vì nhìn theo cách này.
Giá tăng do tồn kho giảm
Theo đà giảm từ đầu vụ, giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE có một tuần giảm. Duy chỉ ngày cuối cùng, phiên đóng cửa thứ sáu 19-10-2012, giá tăng mạnh do tin tồn kho được xác nhận giảm gần 10.100 tấn trong vòng 2 tuần qua.
Đây được xem là tín hiệu vui cho người trồng robusta.
Giá đóng cửa khuya hôm qua tại sàn Liffe NYSE tăng 42 đô la Mỹ/tấn, lấy lại được những gì đã mất trong tuần và còn cao hơn giá tuần trước 11 đô la.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa khá gắt trong những ngày này vì đang rơi vào thời “giáp hạt”.
Giá tăng lại trên 41.000 đồng, so với cuối tuần trước, trên 40.000 đồng/kg.
Giá xuất khẩu hiện nay cũng chung quanh mức trừ 40 đô la/tấn cho loại 2,5% đen vỡ, là mức khá cao để có thể tạo điều kiện cho khác nhàng muốn mua để tăng lượng tồn kho.