Bộ Nông nghiệp lo nông dân chặt cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân không tự phát chặt phá cây trồng khác, cây xen canh như cà phê, hồ tiêu để mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo.

Nông dân huyện Krông Pắk, Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng đưa đến các điểm thu mua, xuất khẩu – Ảnh: THẾ THẾ

Ngày 30-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa ký ban hành chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 7-2022, quả sầu riêng, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất.

Hiện nay có khoảng 85.000 héc ta trồng sầu riêng và khoảng 6.000 héc ta chanh leo.

Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo nước ta cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức như nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế.

Tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng, thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…

Công tác quản lý chất lượng cây giống, đặc biệt là việc quản lý một số bệnh vi rút trên cây giống cây chanh leo cần tiếp tục được cải thiện, nhiều hộ nông dân, vùng sản xuất còn thực hiện quy trình canh tác chưa bền vững.

Để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.

Khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.

“Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu.

Ông Hoan cũng đề nghị Hiệp hội Rau quả Việt Nam định hướng cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sầu riêng, chanh leo để gia tăng giá trị và hạn chế tác động bởi các quy định về kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu quả tươi.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết qua kiểm tra, diện tích xen canh sầu riêng và cà phê ở Tây Nguyên cũng không nhiều, như ở Đắk Lắk khoảng 4% trong tổng số 15.000ha.

“Theo yêu cầu của Trung Quốc, sầu riêng trồng xen canh sẽ không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Do đó, chúng tôi đã đề nghị sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương khuyến cáo người dân giữ nguyên diện tích cà phê xen canh sầu riêng, nếu không xuất khẩu qua Trung Quốc thì xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu dùng nội địa hoặc bóc múi cấp đông xuất khẩu” – ông Trung nói.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng