Cà phê biến thành “cà khô”

Bây giờ mà hỏi nông dân trồng cà phê thì câu cửa miệng sẽ là cà khô, tức cà phê bị khô rồi. Còn nắng nóng kiểu này cứ kéo dài thì cà khô sẽ thành cà khô hỏi khổ mất thôi”, ông Võ Hanh, người trồng cà phê ở Đắk Lắk, than thở.

Ông Võ Hanh, 60 tuổi, ở thôn 2, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk còn nhớ như in cái ngày 25/7 năm ngoái. Hôm đó, ông và bà con trong xóm đi quyên góp tiền ủng hộ gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và ông bị mưa ướt. Đấy là cơn mưa cuối cùng trút xuống xã Cư Suê. Từ đó đến nay, gần 9 tháng trôi qua, ông cũng như nhiều người trồng cà phê khác trong xã ngày đêm trông mưa. Không thể để vườn cà phê chết khô, hôm 17/4, ông cùng một vài người hàng xóm nạo vét giếng cho sâu thêm, từ 33 m xuống tới 40 m, và có lẽ nó là cái giếng sâu nhất trong xã.

Vườn cà phê nhà ông Hanh rộng 1,5 ha mấy vụ trước thu được 6 tấn cà phê nhân, vụ này chỉ được 4 tấn. Nhưng chuyện thu ít hay nhiều cà phê giờ đây không còn quan trọng, bởi cái nắng như thiêu như đốt đang ập xuống vùng đất này và ông chỉ còn mỗi một việc duy nhất là lo cứu vườn cà phê được trồng từ năm 1993. Ông Hanh kể, thường mỗi vụ ông chỉ tưới nước 3-4 lượt, nay ông đã tưới đến bảy lượt và cái giếng sâu hun hút kia với 3 m nước đã không còn đủ để tưới. Sớm khuya cứ thấy nước dâng lên là bơm, tính ra mỗi ngày ông bơm độ bốn lần, cộng dồn cũng được sáu tiếng. Mấy cái giếng ở hàng xóm đều ít nước hơn giếng nhà ông Hanh nên họ đành phụ với ông vét giếng để tranh thủ có thêm nước tưới.

Thiếu nước nên sản lượng cà phê bị giảm đã đành, mà tiền mua dầu để chạy máy bơm cũng tăng, khoản nợ các đại lý bán dầu cũng tăng theo. Ông Hanh cho biết cứ một ngày rưỡi là ông xài hết 30 lít dầu, tốn 150.000 đồng. Vợ ông đính chính: “Ông có đi lấy dầu đâu mà biết giá, giờ lên gần 200.000 đồng rồi”.

Sáng chủ nhật, thay vì ở nhà ôn bài chuẩn bị thi học kỳ 2, em Nguyễn Thành Công, 15 tuổi ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, lại ra vườn cà phê của gia đình rộng chừng 1 ha để bơm nước cứu cà phê. Hai năm trước, gia đình em đã phòng bị chuyện hạn hán bằng cách đào một giếng sâu 23 m ở giữa vườn, tưới cũng khá thoải mái. Năm nay gia đình Công đã vét giếng sâu thêm 2 m nữa mà cũng chỉ được có 3 m nước. “Em bơm chừng 15 phút là khô nước, phải ngưng chờ nước lên”, Công cho hay.

Chủ nhật hằng tuần em phải ra túc trực ở vườn cà phê để bơm nước, khoảng 10 lần trong ngày, để cố làm sao cho mỗi gốc cây cà phê được tưới một lần trong tháng. Lúc rảnh giữa hai lần bơm tưới, em tranh thủ gom lá cà phê khô, cành cây mục ủ dưới gốc cà phê để giữ ẩm được lâu. Nếu không, gia đình phải thuê một công ty bơm tưới nước với giá 150.000 đồng/giờ tưới, trong khi các vụ trước chỉ phải trả khoảng 60.000-70.000 đồng.

Dọc các con đường liên thôn, liên xã của huyện Cư Mgar, huyện Krông Pak hay thành phố Buôn Ma Thuột, gần như vườn cà phê nào cũng có một đụn đất xám nổi lên trên nền đất đỏ bazan. Đó là đất được nạo vét lên từ các giếng nước trong vườn cà phê.

Không phải ai cũng may mắn như nhà ông Hanh hay em Công. Vườn cà phê 21 năm tuổi, rộng 2 ha mà ông Nguyễn Văn Thành ở Cư Mgar nhận khoán của Nông trường 1-5 gần như chết khô toàn bộ. Ông phải thuê người đốn hạ, nhưng cũng chưa biết sẽ trồng cây gì khi mùa mưa tới.

Chị Oanh, chủ một hiệu tạp hóa nhỏ ở gần trung tâm huyện Cư Mgar, cho biết giếng nhà chị sâu đến 32 m mà mỗi ngày chỉ bơm được một lần vào sáng sớm và chỉ tưới được năm gốc cà phê trong vuờn cà phê rộng 2.500 m vuông. Chị phải bán 6 tạ cà phê cuối cùng cách nay một tuần để lấy tiền thuê người khoan giếng sâu thêm 3 m, mong cứu vườn cà phê.

Các vụ cà phê trước, đại lý nông sản Phương Thanh của chị Phan Thị Thanh ở thị trấn Ea Pốc, huyện Cư Mgar mua vào 700 tấn cà phê, vụ này chỉ mua được 500 tấn. “Cà phê chết như thế này thì chắc vụ tới mua chẳng được là bao”, chị Thanh lo lắng cho tương lai.

Chị Lê Thị Dung, chủ doanh nghiệp Xuân Dung ở xã Ea Tu, ngoại ô Buôn Ma Thuột, cho biết nông dân bị hạn hán khổ đã đành mà các doanh nghiệp buôn cà phê cũng khổ không kém. Hiện tại nhiều doanh nghiệp ở Buôn Ma Thuột đang đau đầu vì khó có đủ cà phê để giao hàng theo hợp đồng đã ký từ tháng 5 đến tháng 7 tới đây.

Bây giờ mà Đắk Lắk xuất hiện những cơn mưa lớn thì thị trường giao dịch cà phê robusta ở London sẽ biến động mạnh”, ông Jens Nielsen, Trưởng văn phòng Noble Coffee tại Việt Nam, dự đoán. Nhưng ấy là chuyện quá xa vời với nông dân trong lúc này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng