Việt Nam kết thúc niên vụ cà phê 2021-2022 với khối lượng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 4 năm vừa qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Vụ thu hoạch cà phê mới đã bắt đầu nhưng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đã trở nên khó khăn do áp lực từ lạm phát ở nhiều nước trên thế giới…
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng 10/2022, nước ta xuất khẩu 79,8 nghìn tấn cà phê với kim ngạch hơn 207,8 triệu USD. So với tháng trước, xuất khẩu cà phê giảm mạnh 13,7% về lượng nhưng chỉ giảm 8,5% về giá trị do chưa chính thức vào mùa vụ và lượng hàng đã hết.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ TĂNG GẦN 34%
Tính chung 10 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,42 triệu tấn cà phê, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh 33,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đem về 3,22 tỷ USD.
Về giá xuất khẩu cà phê, tính chung 10 tháng đạt bình quân 2.283 USD/tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, có thể nói, trong năm nay, nước ta đã có mùa vụ cà phê được mùa, được giá.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2021-2022 đã kết thúc, nước ta xuất khẩu tổng khối lượng hơn 1,68 triệu tấn cà phê các loại, trị giá trên 3,9 tỷ USD. Đây là niên vụ cà phê đạt giá trị kim ngạch cao nhất từ trước đến nay.
Trong niên vụ 2021-2022, doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê nhân sống chiếm thị phần 33,2% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm 31,7% về giá trị kim ngạch. Còn lại là xuất khẩu bởi các doanh nghiệp trong nước.
“Trong niên vụ 2021-2022, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,97 tỷ USD; còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 60 ngàn tấn, kim ngạch 260 triệu USD; cà phê nhân đã khử cafein 26.000 tấn, kim ngạch 76,9 triệu USD“.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam.
Về thị trưởng xuất khẩu Đức là thị trường số 1 với 216.000 tấn, Ý đứng thứ 2 với gần 139.000 tấn, Hoa kỳ thứ 3 với trên 126.000 tấn, Bỉ thứ đứng thứ 4 với 120.000 tấn, Nhật Bản thứ 5 với 111.300 tấn.
Về chủng loại sản phẩm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Mặc dù tỷ trọng cà phê chế biến sâu vẫn rất thấp, nhưng đã tăng so với các năm trước, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan trên 92.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), với kim ngạch 598,2 triệu USD, chiếm 5,5% về lượng và chiếm 15,3% kim ngạch/ tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 59,9% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan và chiếm khoảng 66% về kim ngạch.
“Xuất khẩu các sản phẩm rang xay, hòa tan tăng nhanh, đây là một bước phát triển lớn và kết hợp với tiêu thụ nội địa cho thấy triển vọng ngành cà phê đang rất tốt và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê nhân. Tăng xuất khẩu cà phê chế biến sâu thay vì xuất thô, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê”, ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch VICOFA nhận định.
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao (60 kg/bao), giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021. Xuất khẩu cà phê arabica Brazil và arabica Colombia ghi nhận sự sụt giảm trong khi xuất khẩu cà phê robustas tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao.
Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.
Xem thêm: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD
“PHẤP PHỎNG” VỚI VỤ CÀ PHÊ MỚI
Theo VICOFA, niên vụ cà phê 2022-2023 đã bước vào mùa thu hoạch, tức là bắt đầu một năm kinh doanh mới giữa những biến động phức tạp trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero Covid”, lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu cà phê trọng điểm, logictics chưa thật sự ổn định đang gây khó khăn cho ngành cà phê.
Giá cà phê trên thế giới đang có dấu hiệu giảm từ đầu tháng 11 đến nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11/2022, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm thêm 12 USD, xuống 1.819 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 8 USD, còn 1.808 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York, Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 1,30 cent, xuống 165,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 1,80 cent, còn 162,35 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm xuống dao động trong khung 40.300 – 40.700 đồng/kg.
Thời điểm này đang có nhiều thông tin bất lợi cho thị trường cà phê thế giới. Tính đến ngày 07/11, tồn kho cà phê Robusta được sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 350 tấn, tức tăng 0,39% so với một tuần trước đó, lên ở mức 90.580 tấn (tương đương 1.509.667 bao, bao 60 kg).
“Ước tính chỉ hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam sẽ chiếm khoảng 100 triệu bao, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023“.
Theo dự báo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO).
Trong khi đó, Rabobank vừa thông báo cho nhà đầu tư của mình về dự báo sản lượng cà phê Brasil niên vụ 2023/2024 có thể tăng 10% lên ở mức 68,25 triệu bao, do thời tiết vừa qua có nhiều mưa, rất thuận lợi để cây cà phê phát triển vụ mùa năm 2023.
Góp phần vào sự sụt giảm của giá cà phê còn do sự biến động trên chính trường Brasil khi Tổng thống Lula vừa đắc cử đang lựa chọn tìm kiếm các thành viên cho Chính phủ mới sẽ gây ra sự xáo trộn rất đáng kể. Đồng Reais giảm mạnh 2,41% xuống ở mức 1 USD = 5,1730 R$1, phản ánh sự bất ổn của các thị trường tài chính Brasil.
Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10, đo lường lạm phát của Hoa Kỳ. Tháng trước, chỉ số này đã tăng 0,4% sau khi tăng 0,1% trong tháng 8. Đây là con số sẽ được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phân tích để góp phần quyết định lãi suất USD sắp tới. Lo ngại lãi suất tăng cao đã khiến các Quỹ và đầu cơ cũng không vội vàng mua vào khi giá ICE New York hiện đang ở mức thấp 15 tháng.
Ông Nguyễn Quang Bình – Chuyên gia phân tích ngành hàng cà phê đưa ra nhận định: Giá cà phê Robusta chưa thể tăng trong thời gian tới, dù vị thế kinh doanh dư bán đã rất sâu bởi đồng USD.
Đầu phiên giao dịch ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Hoa Kỳ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,80%, đạt mốc 110,43.
Đồng USD đã tăng so với hầu hết các loại tiền tệ chính vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ được công bố. Kết quả cho thấy phe Dân chủ đã làm tiêu tan hy vọng của Đảng Cộng hòa về “một làn sóng đỏ” càn quét chính trường Hoa Kỳ, khiến các nhà đầu tư hướng sự tập trung sang dữ liệu lạm phát sắp tới.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nguồn cung cà phê niên vụ 2021 – 2022 thiếu hụt khoảng 167,2 triệu bao trong khi nhu cầu tiêu thụ đến 170,83 triệu bao. Niên vụ cà phê 2022 – 2023, cung cầu của thị trường sẽ cần bằng lại, thậm chí cung sẽ cao hơn cầu vì tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới có một vụ mùa bội thu, và vụ cà phê mới của Việt Nam sẽ đạt trên dưới 30 triệu bao, tăng thêm trên 3 triệu bao so với niên vụ trước đó.
> Cà phê dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản