Khoảng nửa triệu tiểu nông Colombia đang đứng trước bờ vực phá sản do tình trạng bán phá giá cà phê trên thị trường thế giới.
Nông dân bán một bao cà phê khoảng 11 USD trong khi phải chi 15 USD cho giá thành sản xuất. Nhằm tránh nguy cơ khánh kiệt, một số đã chuyển sang buôn bán ma túy.
Naranjo, Giám đốc điều hành Liên hiệp cà phê Colombia cho biết, nguyên nhân khủng hoảng trước hết là tình trạng dư thừa cà phê trên thị trường thế giới. Riêng trong năm ngoái, người ta đã sản xuất 115 triệu bao cà phê nhưng chỉ có 108 triệu bao được tiêu thụ.
Từ Mexico tới Brasil, từ Kenya tới Indonesia, các kho dự trữ cà phê đều đầy ắp. Trong khi đó, Brasil – nước trồng cà phê lớn nhất đang trông đợi sẽ thu hoạch một vụ mùa kỷ lục với trên 40 triệu bao, nhiều hơn 42% so với năm 2001. Theo Naranjo, những người sản xuất đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Từ năm 1997, giá cà phê giảm gần 70% và ngày càng nhiều người chào hàng mới chen lấn nhau trên thị trường. Điều nghịch lý nhất là đại đa số trong gần 80 nước trồng cà phê đều nằm trong vành đai nghèo đói của trái đất.
Nguyên nhân khác là chỉ trong vài năm, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường thế giới, đẩy Colombia – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai xuống vị trí thứ ba. Sự xuất hiện của Việt Nam trên thị trường cà phê đã gây ra cuộc chiến tranh giá cả. Naranjo nói: “Người Việt Nam bán cà phê của họ ở New York với giá 44 cent/kg, số tiền chỉ đủ để trả chi phí vận chuyển của chúng tôi”.
Bên cạnh chi phí nhân công cao, người Colombia phải đóng thuế nhiều hơn. Khoảng 550.000 gia đình sống bằng nghề cà phê nhưng có tới 5 triệu người phụ thuộc một cách gián tiếp. Những người nông dân phải đóng góp một phần lợi nhuận của mình vào quỹ Fondo Nacional del Cafe. Chính phủ dùng tiền đó để mua lượng cà phê dư thừa và điều chỉnh chênh lệch về giá cả. Trong thực tế, quỹ này tài trợ toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực và vào những năm 80 có lúc số tiền của quỹ lên tới 1,4 tỷ USD.
Hệ thống trên vận hành cho tới năm 1989, khi hiệp định cà phê quốc tế bị phá vỡ trong cuộc tranh cãi giữa các đại gia sản xuất cà phê. Trước đó, thông qua một hệ thống hạn ngạch, các nước sản xuất và tiêu thụ cà phê đã bảo đảm một mức giá tối thiểu là 1,15 USD/kg. Lượng cà phê dư thừa được đưa vào kho và sau này mới bán ra. Khi hạn ngạch không bị hạn chế, tất cả các nước cùng một lúc tung cà phê trong các kho dự trữ ra thị trường. Tuy chính phủ Colombia tìm cách ngăn chặn sự giảm giá bằng việc mua hỗ trợ nhưng phương tiện tài chính của họ nhanh chóng bị tiêu tan.
Quá trình giảm giá này còn chưa kết thúc bởi nước Mỹ đang ngấm ngầm phá mọi cố gắng điều chỉnh lại giá cả. “Số tiền chảy vào túi các nhà sản xuất chưa bằng 1/5 mức giá cuối cùng. Chỉ có các nhà rang xay và siêu thị là được nhiều lãi. Đối với các nước trồng cà phê, thị trường là một cơn ác mộng!”, Naranjo than phiền.
Các quốc gia cà phê cũng đã uổng công tìm cách thành lập một hiệp hội theo tấm gương các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Thương gia cà phê người Đức Peter Montua cho rằng, trong lĩnh vực cà phê, người ta không thể đơn giản đóng và mở vòi như trong lĩnh vực dầu lửa. Cà phê cần được thu hoạch và nhanh chóng bán đi. Nếu để lâu hơn 2 năm, nó sẽ bị mất mùi thơm.
Hậu quả của khủng hoảng cà phê không thể lường trước được. Hàng chục nghìn nông dân chịu bó tay hoặc tìm cách chuyển sang lĩnh vực khác. Nhiều chủ đồn điền đã chuyển nhà cửa thành khách sạn. Những tấm biển cần bán treo đầy trước những bất động sản tráng lệ và nạn thất nghiệp tăng lên nhanh chóng.
Nhiều nông dân trồng cà phê chuyển sang trồng thuốc phiện. Những chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc nhằm khuyến khích trồng cà phê thay thuốc phiện đã thất bại do sự sụt giá.
Theo ý kiến của các chuyên gia, chỉ có một lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng: Giảm diện tích trồng cà phê trên thế giới để cân bằng giữa cung và cầu .Tổng thống Nicaragoa kêu gọi các trang trại từ bỏ việc trồng cà phê. El Salvadore và Mexico cũng nhanh chóng giảm xuất khẩu.
Mặc dù vậy, giá cà phê hầu như vẫn không tăng lên, bởi trong những năm vừa qua, riêng Brasil đã mở rộng 25% diện tích. Ở đó việc trồng cà phê được công nghiệp hóa ở mức độ cao. Tại nhiều trang trại, người ta hái cà phê bằng máy đồng thời việc trồng cà phê được chuyển sang những vùng có khí hậu ấm hơn khiến năng suất tăng vọt. So với các nước khác, dư thừa cà phê ít gây thiệt hại hơn cho Brasil. Mức tiêu thụ cà phê trong nước của sứ xở vũ điệu Sampa tăng trên 20% mỗi năm. David Nahum, Tổng thư ký Liên hiệp cà phê Brasil nói: “Chúng tôi phải tìm kiếm những lớp người tiêu thụ mới, đặc biệt là giới thanh thiếu niên. Đó là con đường duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng”.