Đồng Reais giảm sâu đã đẩy giá cà phê kỳ hạn thế giới ra đứng bên bờ vực…
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 27 USD, xuống 2.006 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 25 USD, còn 2.006 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 5,45 cent, xuống 224,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 5,55 cent, còn 221,50 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống dao dộng trong khung 39.500 – 40.000 đồng/kg.
Tỷ giá đồng Reais tiếp tục suy yếu, xuống đứng ở mức thấp gần 5 tháng so với USD, đã thúc đẩy người Brasil mạnh tay bán cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch với sản lượng Arabica vào năm được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, do họ đang có lợi khi thu về được nhiều nội tệ hơn. Trong khi đó USDX tiếp nối đà trăng trong rổ tiền tệ mạnh đã khiến giá cả các loại hàng hóa nói chung được thanh toán bằng đồng bạc xanh trở nên quá đắt đỏ cũng làm giảm sức mua.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta tại London tiếp tục bất lợi sau báo cáo ước tính xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm tăng tới 21,7% so với cùng kỳ của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Bên cạnh, thị trường còn có thêm báo cáo điều chỉnh dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 5 của Cơ quan Thương mại Indonesia. Theo đó, xuất khẩu cà phê trong tháng này đã đạt 200.799 bao, tăng 43.009 bao, tức tăng 27,26% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã góp phần lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta từ Indonesia trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 2.052.670 bao, giảm 483.571 bao, tức giảm 19,07% so với cùng kỳ niên vụ trước, cho dù báo cáo số liệu xuất khẩu sụt giảm so với niên vụ trước nhưng được đánh giá là xấp xỉ mức trung bình xuất khẩu 5 năm vừa qua.
Chiến cuộc Đông Âu vẫn khốc liệt, lạm phát toàn cầu chưa được cải thiện, nền kinh tế Mỹ ngày càng suy thoái nặng nề, thị trường tăng cược vào việc Fed sẽ không “diều hâu” trong phiên họp chính sách tháng 7 sắp tới, đã khiến phần lớn nhà đầu tư chuyển vốn quay lại các sàn chứng khoán, khiến sắc đỏ bao trùm các sàn hàng hóa nói chung.
Anh Văn (giacaphe.com)