Chỉ số PMI tháng 5 của Trung Quốc cao hơn mức dự báo và sự khẳng định của Fed sẽ ưu tiên chống lạm phát đã hỗ trợ các thị trường lạc quan trở lại…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 1 USD, lên 2.106 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 4 USD, lên 2.110 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tăng liên tiếp phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2,75 cent, lên 231,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 2,40 cent, lên 231,45 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 0 – 100 đồng, lên dao dộng trong khung 41.000 – 41.600 đồng/kg.
USDX và thị trường chứng khoán Mỹ vừa có một phiên đảo chiều khá ngoạn mục sau khi đón nhận những thông tin khả quan từ nền kinh tế. Chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 5 cao hơn mức kỳ vọng đã thể hiện sự hồi phục rất đáng ghi nhận. Thông tin Trung Quốc nới lỏng biện pháp phong tỏa cứng rắn ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tâm lý của giới đầu tư. Thông tin các quốc gia EU đã phá vỡ sự bế tắc vì lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga cũng góp phần thúc đẩy các thị trường cà phê kỳ hạn tăng mua trở lại sau khi đã mạnh tay thanh lý ngay từ đầu phiên do lo ngại rủi ro gia tăng.
Theo Barchart.com, giá cà phê tiếp nối đà tăng do lo ngại điều kiện khô hạn ở các vùng trồng cà phê ở miền nam Brasil có thể dẫn đến sản lượng cà phê Arabica sụt giảm. Dự báo thời tiết của Somar Met. đưa tin hôm thứ Hai rằng Minas Gerais không có mưa trong tuần qua. Minas Gerais chiếm khoảng 30% sản lượng Arabica của Brasil.
Tuy nhiên, đà tăng của giá cà phê Robusta đã bị hạn chế sau khi Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 24,2% so với cùng kỳ lên 889.000 tấn. Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 4 của Colombia đã giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 845.000 bao, điều này sẽ hỗ trợ cho cà phê Arabica vì Colombia là nhà sản xuất Arabica lớn thứ hai thế giới.
Anh Văn (giacaphe.com)