Tổng hợp thị trường cà phê tuần 18 (02/05/2022 – 07/05/2022)

Lo ngại rủi ro tăng cao đã khiến các giới đầu cơ dịch chuyển dòng vốn rời khỏi các thị trường cà phê kỳ hạn…

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T7/2022 tuần 18 (từ 02/05/2022 – 07/05/2022)

Tính chung cả tuần 18, thị trường London có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 24 USD, tức giảm 1,14 %, xuống 2.083 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 30 USD, tức giảm 1,42 %, còn 2.079 USD/tấn, các mức giảm đáng kể.  Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 11,65 cent, tức giảm 5,25 %, xuống 210,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 11,45 cent, tức giảm 5,16 %, còn 210,45 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 500 – 600 đồng, xuống dao động trong khung 40.200 – 40.700 đồng/kg.

Đầu cơ dịch chuyển dòng vốn rời khỏi các thị trường cà phê phái sinh để đi tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn ở các thị trường khác có sức hấp dẫn hơn, sau khi lãi suất cơ bản đồng Reais và USD được nâng lên khá mạnh tay, như đã suy đoán.

Tuy nhiên, nguyên nhân đã làm giá cà phê kỳ hạn sụt giảm là phải kể đến áp lực từ vụ mùa năm nay đang được tiến hành thu hoạch ở các vùng Conilon Robusta và tiếp theo sau sẽ là vùng Arabica, kết hợp với tỷ giá đồng Reais suy yếu trở lại đã khuyến khích người Brasil đẩy mạnh bán cà phê.

Cuộc chiến Đông Âu kéo dài, lạm phát vượt mức, kinh tế toàn cầu suy thoái cùng dịch bệnh covid vẫn còn hoành hành và chính sách phong tỏa của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang trì trệ càng thêm nghiêm trọng, làm các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao không chỉ trong ngắn hạn.

Nổi bật trong tuần là Báo cáo Thị trường tháng Ba của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này đã tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo ICO, trong vòng 12 tháng qua (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), xuất khẩu cà phê Arabica đạt 80,90 triệu bao, giảm 2,14% và xuất khẩu Robusta đạt 48,90 triệu bao, tăng 2,14% so với cùng kỳ.

ICO đã duy trì dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2021/2022 ở mức 167,20 triệu bao, thấp hơn 2,10% so với niên vụ trước và giữ nguyên dự báo về tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ này ở mức 170,30 triệu bao, tăng 3,30% so với niên vụ trước.

Từ đó có thể thấy thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 3,1 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021/2022. Điều này sẽ không còn là mối lo khi Brasil đã bước vào thu hoạch cà phê của niên vụ mới 2022/2023 với sản lượng tăng theo năm “được” của chu kỳ “hai năm một”.

Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 4 chỉ đạt 845.000 bao, giảm 190.000 bao, tức giảm 18,36% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã góp phần lũy kế xuất khẩu cà phê từ Colombia trong 7 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 7.314.000 bao, giảm 832.000 bao, tức giảm 10,21% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn trầm lắng do nhà nông tiếp tục kháng giá không chỉ vì mức giá kỳ hạn London đã giảm xuống quá thấp mà còn do vật tư phân bón tăng cao làm họ bị thua lỗ với mức giá hiện hành.

  Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77