Tỷ giá đồng Reais tiếp tục mạnh lên đã hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn nối tiếp đà hồi phục…
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 17 USD, lên 2.108 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 21 USD, lên 2.117 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 4,95 cent, lên 236,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 5 cent, lên 236,55 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao dộng trong khung 40.400 – 40.900 đồng/kg.
Giá cà phê tiếp nối đà hồi phục do đầu cơ quay lại tăng mua khi có thêm yếu tố cơ bản hỗ trợ và suy đoán nguồn cung trong tương lai vẫn còn hạn chế.
Theo Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Quốc gia (CONAB) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Brasil cho biết, chuyên viên của họ đang tiến hành thực địa nhằm thu thập dữ liệu vụ mùa cà phê lần thứ hai năm 2022 ở 9 bang trồng cà phê, cuộc khảo sát đã bắt đầu từ Espírito Santos hôm thứ Hai tuần trước và sẽ tiếp tục ở các bang còn lại kể từ tuần này để hoàn tất vào cuối tháng Tư. Theo dữ liệu khảo sát lần đầu tiên, sản lượng cà phê năm nay của Brasil ước đạt 55,7 triệu bao, tăng 16,8% so với năm 2001. Dự kiến kết quả khảo sát lần thứ hai sẽ được công bố vào ngày 19/05
Trong khi đó, tỷ giá đồng Reais tiếp tục tăng thêm 0,46% lên ở mức 1 USD = 4,6910 Reais là mức cao hơn 2 năm, tiếp tục hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn. Sở dĩ đồng tiền này được củng cố sức mạnh là do lo ngại lạm phát toàn cầu tăng cao và chứng khoán Mỹ đảo chiều sụt giảm trước sự thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất cơ bản USD của Fed – Mỹ sắp tới.
Hội đồng các nhà Xuất khẩu Cà phê (thường gọi tắt là Cecafé) ở Brasil cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng Ba đạt tổng cộng 3,622 triệu bao, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Cecafé giải thích nguyên nhân sụt giảm là do tình hình logistics vẫn còn nhiều thách thức với các nhà xuất khẩu.
Anh Văn (giacaphe.com)