Báo cáo Việt Nam xuất khẩu tháng Ba tăng mạnh kết hợp với áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng Năm đã kéo giảm giá cà phê kỳ hạn thế giới…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 29 USD, xuống 2.064 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 24 USD, còn 2.066 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 1,45 cent, xuống 226,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm thêm 1,45 cent, còn 226,15 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch tăng lên rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 300 – 400 đồng, xuống dao dộng trong khung 39.600 – 40.100 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn tiếp tục sụt giảm là điều không quá ngạc nhiên khi USDX tiếp nối đà tăng trở lại khiến lo ngại rủi ro ngày càng nhiều hơn, trong khi lãi suất cơ bản USD sắp được nâng lên sẽ là áp lực với hầu hết giá cả hàng hóa.
Theo các nhà quan sát, giá cà phê hai sàn bị kéo giảm vào lúc này không chỉ vì đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng Năm mà còn do nguồn cung từ Việt Nam tăng mạnh. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường Arabica New York đã rơi vào vùng “quá mua”, giới đầu cơ cần phải thanh lý, điều chỉnh vị thế.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu xuất khẩu cà phê trong tháng Ba đã đạt 211.015 tấn (khoảng 3,52 triệu bao), tăng tới 51,4% so với tháng trước, đưa xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm nay tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng các tin tức cơ bản này đã gây áp lực không hề nhỏ lên các thị trường cà phê kỳ hạn và đã góp phần thu hẹp khoảng cách giá nghịch đảo, dự đoán cũng sẽ kết thúc trong tháng này.
Anh Văn (giacaphe.com)