Áp lực bán phòng hộ hàng vụ mới kết hợp với sự thanh lý, điều chỉnh vị thế đầu cơ khiến giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn vẫn còn trì trệ…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 14 USD, xuống 2.307 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 15 USD, còn 2.255 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo duy trì khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York duy trì xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 0,05cent, xuống 231,70 cent/lb, trong khi kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,05 cent, lên 231,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,2 cent, lên 231,55 cent/lb, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 200 – 300 đồng , xuống dao dộng trong khung 41.100 – 41.600 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 2.005 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi khoảng 240 – 250 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Đồng Reais tăng 0,54 %, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,6790 Reais theo sự mạnh lên của các tiền tệ mới nổi với suy đoán Fed có thể sớm thu hẹp chương trình kích cầu và nâng lãi suất cơ bản USD không chỉ 3 lần như thị trường đã dự kiến trước đó. Nhiều thị trường hàng hóa bao phủ sắc đỏ do phần lớn các nhà đầu tư cắt giảm vị thế ròng hiện đang nắm giữ để phòng tránh rủi ro trong ngắn hạn.
Dữ liệu Thương mại tháng 11 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu toàn cầu đạt tổng cộng 9,25 triệu bao cà phê các loại, giảm 12,41% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 2 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 18,87 triệu bao, giảm 8,8% so với cùng kỳ của niên vụ trước đó. Nguyên nhân xuất khẩu sụt giảm được cho là do sự ách tắc kéo dài trong việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu chứ không phải do thế giới thiếu hụt cà phê.
Giá cà phê kỳ hạn nối tiếp xu hướng của phiên hôm qua, với đà suy yếu của Robusta London và đi ngang của Arabica New York, bất chấp báo cáo tồn kho mới nhất do hai sàn “chứng nhận” tiếp tục sụt giảm.
Theo các nhà quan sát, áp lực bán phòng hộ hàng vụ mới từ các quốc gia sản xuất cà phê tiếp tục đè nặng lên hai sàn giao dịch kỳ hạn. Tuy các thị trường có sự hỗ trợ của một số báo cáo xuất khẩu giảm nhưng không loại trừ lực bán phòng hộ khá mạnh từ các nhà sản xuất chính trên thế giới, trong khi thu hoạch vụ mùa mới năm 2022 của Brasil cũng sắp tới gần.
Anh Văn (giacaphe.com)