Giá cà phê có thể đạt đỉnh vào cuối năm?

Theo giới chuyên gia, việc thiếu hụt nguồn cung ở các quốc gia xuất khẩu cà phê chủ lực của thế giới có thể sẽ khiến xu hướng tăng giá mặt hàng này tiếp tục diễn ra.

Giá cà phê tăng do nguồn cung thiếu hụt

Tuần qua ghi nhận giá giá cà phê trên thị trường thế giới đã tăng mạnh trở lại. Giá cà phê trong nước cũng đang trên đà tăng, cùng với giá cà phê thế giới. Trong tuần qua, giá cà phê đã tăng 500 – 600 đồng/kg, đạt mốc 47.000 đồng/kg vào ngày hôm qua (28/11).

Đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định, chu kỳ 10 năm của ngành hàng cà phê đang quay trở lại. Dự báo, giá cà phê sẽ đạt đỉnh vào cuối năm.

Nguyên nhân giá cà phê thế giới tăng mạnh, là nguồn cung thiếu hụt nhất là tại Brazil quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển vẫn duy trì ở mức cao đã đẩy giá cà phê tăng. Các chuyên gia thậm chí còn dự báo, đà tăng này sẽ tiếp tục diễn ra từ nay đến cuối năm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê đồng loạt đi lên. Theo đó, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1 năm sau tăng 0,48% lên mức 2.295 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao tháng 12 năm tại New York cũng tăng 1,55%.

Giá cà phê liên tục tăng cao những tháng qua (Biểu đồ giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2022)

Nguồn cung bị thắt chặt, giá vận chuyển cao, thiếu container và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá cà phê không ngừng tăng kể từ giữa tháng 11.

Báo cáo của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cho thấy có thể giao chậm trễ khoảng 5 triệu bao cà phê đã hợp đồng bán trước cuối năm nay.

Tình trạng thiếu nước khiến cây cà phê không phát triển. Hơn nữa sương giá khiến nhiều cây bị chết. Chúng tôi không có đủ cà phê để cung cấp ra thị trường như mọi năm“, ông Joao Felipe Balise, Thị trưởng Caconde, Brazil, cho hay.

Dự kiến, Brazil chỉ có thể xuất khẩu 21 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021-2022, giảm tới 55% so với niên vụ 2020 – 2021 do nguồn cung cạn kiệt.

Còn tại Colombia, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới, sản lượng cà phê trong 10 tháng đầu năm đạt khoảng 10,1 triệu bao, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệp hội cà phê Colombia dự báo sản lượng cà phê nước này trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục giảm sút do thời tiết không thuận lợi trong những tuần gần đây. Đặc biệt, mưa nhiều đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê cũng như tác động đến khả năng ra hoa của cây cà phê trong vụ mùa mới.

Giới chuyên gia cho rằng, việc thiếu hụt nguồn cung ở các quốc gia xuất khẩu cà phê chủ lực của thế giới có thể sẽ khiến xu hướng tăng giá mặt hàng tiếp tục diễn ra cho đến hết năm nay.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc tăng mạnh

Trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, thời gian gần đây, nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới, liên tục tăng, nhất là ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi. Trong khi đó, nguồn cung cà phê ở nước này vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, Trung Quốc đang trở thành thị trường màu mỡ cho các nước xuất khẩu cà phê cũng như các chuỗi cà phê lớn trên thế giới.

Hãng cà phê Starbucks của Mỹ đang có kế hoạch sẽ nâng tổng số cửa hàng của mình ở Trung Quốc lên 6.000 vào năm sau. Hiện chuỗi cà phê hàng đầu thế giới này đã mở hơn 5.000 cửa hàng tại nhiều thành phố ở quốc gia hơn 1,4 tỷ dân.

“Thị trường cà phê đang có nhiều tiềm năng ở Trung Quốc, bởi không chỉ có người trẻ ưa chuộng, mà cả những người trên 50 tuổi cũng thích thưởng thức nó”, ông Ma Yujie, người dân Bắc Kinh, cho biết.

Phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan trên khắp Trung Quốc.

Theo thống kê từ Hiệp hội Cà phê Trung Quốc, tiêu thụ cà phê của nước này tăng với tốc độ hàng năm là 15%, dự kiến trong vòng 5 năm tới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,15%. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, bởi người dân chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn.

Riêng từ tháng 10/2020 đến tháng 4 năm nay, lượng cà phê tiêu thụ của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 1,8 triệu bao. Vì vậy, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này trong 9 tháng đầu năm đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung cà phê cho Trung Quốc đa dạng với khoảng 80 thị trường cung cấp; trong đó, các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc gồm Brazil, Việt Nam, Ethiopia, Malaysia, Guatemala. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Ethiopia đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay chiếm 11,9%.

Làm gì để nâng thị phần cà phê tại Trung Quốc?

Thị trường cà phê Trung Quốc đầy tiềm năng cho các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thống kê, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay chiếm 11,9%, giảm 0,4% – so với mức 12,3% vào cùng kỳ năm 2020.

Do đó, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu đã khuyến nghị ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

74