Tổng hợp thị trường cà phê tuần 42 (18/10/2021 – 23/10/2021)

Các thị trường cà phê kỳ hạn thể hiện xu hướng trái chiều khi có nhiều yếu tố cơ bản gây bất lợi cho giá cà phê Arabica tại New York…

Biểu đồ Robusta London T1/2022 tuần 42 (từ 18/10/2021 – 23/10/2021)

Tính chung cả tuần 42, thị trường London có 1 phiên giảm đầu tuần và 4 phiên tăng liên tiếp cuối tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 tăng tất cả 24 USD, tức tăng 1,14 %, lên 2.134 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng tất cả 20 USD, tức tăng 0,94 %, lên 2.141 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng tất cả 13 USD, tức tăng 0,62 %, lên 2.097 USD/tấn , các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo duy trì khoảng cách.

Trái lại, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 3,55 cent, tức giảm 1,75 %, xuống 199,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm tất cả 3,65 cent, tức giảm 1,77 %, còn 202,60 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 400 – 500 đồng, lên dao động trong khung 40.600 – 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn thế giới tiếp tục xu hướng trái chiều khi tỷ giá đồng Reais suy yếu trở lại, xuống đứng ở mức thấp một năm rưỡi do sự bất ổn ngân sách của Chính phủ và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và ngành bất động sản của đối tác kinh tế hàng đầu. Đồng Reais sụt giảm đã kích thích nông dân Brasil tăng cường bán các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thế mạnh như cà phê, đường, đậu nành… Bên cạnh còn có sự hỗ trợ tích cực của các báo cáo thời tiết nhiều mưa, kết thúc giai đoạn khô hạn kéo dài, kích thích cây cà phê ra hoa vụ mới của chu kỳ “hai năm một” cho sản lượng cao trong năm 2022.

Trong khi đó, dự báo xuất khẩu cà phê Robusta tháng 10 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm đã tác động tâm lý thị trường và góp phần vào việc duy trì cấu trúc giá nghịch đảo trên sàn London suốt 3 tháng qua, trong khi báo cáo tồn kho được Sàn cấp “chứng nhận” tiếp tục giảm thấp là mối lo của thị trường tiêu dùng, trong bối cảnh các nước sản xuất phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội kéo dài và những khó khăn trong lĩnh vực vận tải biển hiện hành…

Thông tin nổi bật trong tuần là một số quốc gia sản xuất cà phê trên thế giới đang xem xét việc rút ra ra khỏi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Vì cho rằng tổ chức này đã không đem lại lợi ích gì rõ rệt cho ngành cà phê của nước họ.

Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), xuất khẩu cà phê trong cả niên vụ vừa kết thúc 2020/2021 đạt tổng cộng 6.494.691 bao, tăng 1.134.721 bao, tức tăng 21,17% so với niên vụ cà phê trước đó. Uganda xuất khẩu cả hai loại cà phê với tỷ lê 80/20 Robusta/Arabica và đặt tham vọng đến năm 2025 sẽ trở thành nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới.

Tính đến thứ Hai ngày 18/10, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, đã giảm thêm 1.820 tấn, tức giảm 1,51 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 118.940 tấn (khoảng  1.982.333 bao, bao 60 kg).

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng