Báo cáo tồn kho tại hai sàn sụt giảm liên tiếp đã khiến đầu cơ ngắn hạn dẩy giá cà phê kỳ hạn tăng vọt…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 45 USD, lên 2.144 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 47 USD, lên 2.151 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 29 USD, lên 2.097 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo nới rộng khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 8,90 cent, lên 213,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng thêm 8,85 cent, lên 216,05 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 600 – 700 đồng, lên dao dộng trong khung 40.800 – 41.300 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.991 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi ở 150 – 160 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1/2022 tại London.
Thị trường Cà phê Brasil đóng cửa nghỉ lễ Đức Mẹ Aparecida, Thánh Bổn Mạng của Quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới, tiếp sau lễ Colombus Day, khiến sức bán chùng lại như đã dự đoán. Cho dù đã có thông tin mưa nhiều trên vành đai cà phê ở miền nam Brasil hỗ trợ tốt cho cây cà phê Arabica ra hoa vụ mới, trong khi các cơn bão liên tiếp ở Việt Nam đem lại nhiều mưa cho vùng cà phê Tây nguyên, hỗ trợ cho cây cà phê Robusta tăng năng suất và chất lượng hạt trước thềm vụ thu hoạch mới.
Giá cà phê tăng mạnh không ngoài thu hút việc giao hàng khi báo cáo tồn kho được cấp “chứng nhận” tại hai sàn liên tiếp sụt giảm và để bù đắp phần nào cho cước phí tàu biển vẫn còn cao ngất ngưởng khiến nhà kinh doanh cà phê thua lỗ kéo dài.
Liên đoàn Cà phê Quốc gia FNC – Colombia cũng đã phủ nhận tin đồn việc trì hoãn giao hàng khoảng 1 triệu bao vì người trồng cà phê cho rằng họ phải chịu thiệt không đáng có khi đã ký hợp đồng bán vào lúc giá kỳ hạn ở mức quá thấp, nhưng cũng có thể do sản lượng vụ Mitaca sụt giảm. Theo FNC, chủ yếu là do các cuộc biểu tình phong tỏa đường cao tốc dẫn ra các cảng xuất khẩu và nhất là do các hãng vận tải biển chậm trễ vì đại dịch covid-19, trong khi FNC khẳng định năm nay được mùa với sản lượng hơn 13 triệu bao.
Theo các nhà quan sát, các thị trường cà phê kỳ hạn là sân chơi của các nhà đầu cơ tài chính, do sự nhạy bén và tính thanh khoản cao hơn là do yếu tố cung cầu hàng hóa. Sự tác động chính vào lúc này là từ mối lo lạm phát toàn cầu gia tăng đã đẩy USDX tăng liên tiếp và làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất cơ bản USD trong phiên họp chính sách cuối năm, vào tháng 11 sắp tới. Trong khi thông tin OPEC+ tăng mức khai thác đầu thô thêm 400.000 thùng/ngày không được xác thực khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào mùa đông năm nay càng thêm sâu sắc.
Anh Văn (giacaphe.com)