Việc gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội vì dịch bệnh covid-19 bùng phát làm chuỗi cung ứng hàng hóa nội địa bị đình trệ, trong khi giá cước vận tải biển tăng cao ngất ngưởng cũng khiến thương mại quốc tế bị chậm lại.
Đọc thêm : >> Việt Nam: xuất khẩu hồ tiêu tháng 7/2021lượng giảm nhưng giá vẫn tăng.
Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 08/2021 đạt 17.636 tấn hạt tiêu các loại, giảm 8.703 tấn, tức giảm 33,04 % so với tháng trước nhưng lại tăng 325 tấn, tức tăng 1,88 % so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng đạt 66,48 triệu USD, giảm 28,64 triệu USD, tức giảm 30,11 % so với tháng trước nhưng lại tăng 23,18 triệu USD, tức tăng 53,53 % so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế khối lượng xuất khẩu hạt tiêu 8 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 197.766 tấn tiêu các loại, giảm 4.063 tấn, tức giảm 2,01 % so với khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020.
Về giá trị kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 657,82 triệu USD, tăng 214,25 triệu USD, tức tăng 48,30 % so với cùng kỳ.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 08/2021 đạt 3.769 USD/tấn, tăng 4,37 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 07/2021.
Giá tiêu bình quân tăng mạnh so với tháng trước do khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu trắng tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ mùa đông và lễ hội cuối năm đang tới gần, khách hàng không thể trì hoãn để chờ đợi giá hạ. Lưu ý nữa là mùa kinh doanh cà phê ở Tây nguyên đang tới gần, nhu cầu tiền vốn tăng mạnh buộc nhiều đại lý và các công ty kinh doanh nội địa phải cân nhắc lựa chọn nên giá tiêu trong những tháng tới sẽ có những biến động đáng kể.
Theo các chuyên gia ngành hàng, giá tiêu trong tháng Tám có tăng nhưng không như thị trường kỳ vọng. Dịch bệnh covid-19 lây lan buộc chính quyền phải gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đình trệ. Một số nhà xuất khẩu cũng muốn giao hàng chậm lại để trông chờ giá cước tàu biển được cải thiện hơn.