Giá cà phê tăng “sốc” khi thị trường có thêm nhiều báo cáo thiệt hại do sương giá gây ra trên vành đai cà phê Brasil…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 110 USD, lên 1.889 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 108 USD, lên 1.895 USD/tấn, các mức tăng cực mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. Giá kỳ hạn London lên đứng ở mức cao 3 năm rưỡi.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 17,65 cent, lên 193,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 17,70 cent, lên 196,60 cent/lb, các mức tăng cực mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức “khủng”. Giá kỳ hạn New York lên đứng ở mức cao 6 năm rưỡi.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 800 – 1.000 đồng, lên dao động trong khung 37.300 – 38.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.815 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi 70 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Đồng Reais giảm 0,38 %, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,2110 Reais do biến động thất thường ở thị trường bên ngoài khi báo cáo dữ liệu kinh tế Mỹ có phần suy yếu vì tác động tiêu cực của coronavirus biến thể mới, trong khi chứng khoán Mỹ đã lấy lại màu xanh.
Giá cà phê tiếp nối đà tăng “sốc” hơn nữa khi có thêm nhiều báo cáo thiệt hại “chưa thể lường hết được” do sương giá gây ra trên vành đai cà phê Brasil. Không chỉ lo cho sản lượng vụ mùa năm nay hiện đang thu hoạch rộ mà thị trường còn lo ngại sản lượng năm 2022 sẽ giảm mạnh vì đó là năm cây cà phê Arabica của Brasil vào chu kỳ cho sản lượng cao. Đây cũng là yếu tố cho thấy giá cà phê kỳ hạn sẽ còn biến động mạnh, thất thường trong thời gian tới.
Trong khi đó, các nước sản xuất cà phê ở khu vực Đông Nam Á cũng đang tập trung căng mình để ngăn chặn dịch bệnh covid-19 biến thể mới lây lan với các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng gia tăng.
Anh Văn (giacaphe.com)