Sự biến động của tiền tệ thế giới đi kèm với dự báo sản lượng sẽ sụt giảm ở Brasil, thu hoạch vụ mùa mới ở Việt Nam và các nước Trung Mỹ bị chậm lại vì mưa bão liên tiếp đã hỗ trợ giá cà phê đảo chiều hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng thêm 11 USD, lên 1.350 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 13 USD, lên 1.363 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 1 cent, lên 106,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 cũng tăng thêm 1 cent, lên 109,45 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 32.600 – 33.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.483 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 100 – 120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Đồng Reais tăng mạnh thêm 2,84 %, lên đứng ở mức 1 USD = 5,3880 Reais mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 05/6, trong bối cảnh lạc quan về chương trình cải cách thuế của Chính phủ, trong khi ở bên ngoài cũng kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thảo luận gói tài trợ mới trị giá 2.200 tỷ USD đang bị tạm dừng.
Trái lại, tác động của khả năng tái kiểm phiếu sau một tuần bầu cử đã khiến USDX giảm mạnh tới 6,11%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Sáu. Điều này đã giúp các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị và khi đồng Reais mạnh lên sẽ hỗ trợ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là giá cà phê cũng tăng theo.
Giá cà phê nối tiếp đà hồi phục còn do vụ mùa năm tới của Brasil sẽ giảm khoảng 14 – 21 % sản lượng, theo Tổ chức Procafé và Liên đoàn Nông nghiệp Quốc gia (CNA) đã dự báo.
Bên cạnh đó, những cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đi vào Duyên hải miền Trung và gây mưa liên tiếp trên vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam khiến thu hoạch vụ mùa Robusta năm nay bị chậm lại. Vào những năm xuất hiện La Nina, các nước sản xuất cà phê ở châu Á thường nhận lượng mưa dư thừa có thể gây tổn hại đến chất lượng hạt cà phê và kéo theo việc cung ứng hàng vụ mới chậm trễ.
Anh Văn (giacaphe.com)