Giá cà phê tiếp nối đà tăng (10/10/2020)

Mối lo khô hạn trên diện rộng sẽ làm giảm sản lượng cà phê vụ năm tới của Brasil đã thúc đẩy thị trường gía tăng.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11/2020 phiên ngày 09/10/2020

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng thêm 9 USD, lên 1.260 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1 tăng thêm 9 USD, lên 1.280 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 cũng tăng thêm 9 USD, lên 1.295 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 1,3 cent, lên 111,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 1,25 cent, lên 113,8 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 200 đồng, lên dao động trong khung 30.800 – 31.300 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.400 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 100 – 120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1 tại London.

Đồng Reais tăng 1,10 %, lên ở mức 1 USD = 5,5270 Reais do tác động tích cực của thị trường ngoại hối trước kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói tài trợ mới trước cuộc bầu cử tổng thống.

Giá cà phê tiếp nối đà tăng trên cả hai sàn kỳ hạn với khối lượng thương mại chỉ trên mức trung bình. Điều này cùng với USDX bật tăng trở lại đã làm hạn chế đà tăng, trong khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khiến dòng vốn đầu cơ quay về lại sàn vàng tìm nơi trú ẩn.

Theo các nhà quan sát, USDX tăng giảm thất thường khiến các đồng tiền mới nổi cũng chao đảo theo đã tác động tiêu cực lên hầu hết các thị trường hàng hóa, trong bối cảnh đại dịch covid-19 bùng phát lần hai có khả năng đẩy lùi nền kinh tế thế giới ở mức chưa thể lường trước được.

Phiên họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và  Ngân hàng Thế giới (WB) với sự hiện diện của một số cơ quan tài chính lớn trong tuần tới sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều thương nhân quốc tế bày tỏ quan ngại khi dự báo thời tiết cho biết Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới sẽ có mưa nhiều trong những tháng cuối năm do tác động của hiện tượng thời tiết La Nina trên vành đai Thái Bình Dương, vào thời điểm nhà nông rất cần có nắng để phơi sấy hạt cà phê vụ mới. Điều này không chỉ làm vụ thu hoạch bị chậm lại mà còn ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê nguyên liệu khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao, nhất là với các thị trường ưa chuộng hạt cà phê có nhiều vị đắng trong mùa đại dịch covid-19 đang phủ khắp toàn cầu. Dự kiến hàng cà phê vụ mới của Việt Nam bán ra thị trường nội địa sẽ bị chậm lại vài tuần, với sản lượng vụ này ước tính bình quân khoảng 30 triệu bao.

Theo tin từ Dow Jones, thảo luận về những đề xuất mới chung quanh gói kích thích sẽ được tiếp tục ngay cả trong kỳ nghỉ cuối tuần. Kỳ vọng USDX sụt giảm sẽ giúp cho thị trường tài chính “dễ thở” hơn.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng