Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục điều chỉnh trái chiều, nhất là cổ phiếu công nghệ, trong khi USDX tiếp tục suy yếu đã hỗ trợ tiền tệ của các thị trường mới nổi và giá cà phê kỳ hạn duy trì đà tăng…
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng thêm 10 USD, lên 1.433 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 tăng thêm 9 USD, lên 1.445 USD/tấn các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng 0,75 cent, lên 132,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 0,8 cent, lên 133,4 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 33.200 – 33.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.533 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 90 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1 tại London.
Đồng Reais giảm thêm 0,3%, xuống ở mức 1 USD = 5,3360 Reais khi chứng khoán Mỹ tiếp tục điều chỉnh cổ phiếu công nghệ và kỳ vọng Fed sẽ có sự cởi mở hơn để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục đà hồi phục khi thị trường có dự báo các vùng cà phê Arabica Brasil có thể bị khô hạn do hiện tượng thời tiết La Nina sẽ xuất hiện trên Thái Bình Dương vào cuối năm nay. La Nina gây mưa nhiều trên vành đai cà phê Thái Bình Dương cho các nước Peru, Colombia, Indonesia nhưng ngược lai sẽ là khô hạn cho vùng cà phê Arabica ở phía đông nam Brasil ngay thời điểm cây cà phê vùng này cần mưa để làm bông vụ mới.
Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brasil, thường gọi là Cecafé, cho thấy xuất khẩu trong tháng Tám đạt 3,3 triệu bao cà phê các loại, đưa xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 lên tổng cộng 26,4 triệu bao, đạt hiệu suất khẩu khá cao trong vòng 5 năm qua. Có lẽ thông tin này đã làm đà tăng trên cả hai sàn bị chùng lại vào cuối phiên.
Anh Văn (giacaphe.com)