Giá cà phê cuối tuần suy yếu (11/07/2020)

Giá cà phê suy yếu trên cả hai sàn kỳ hạn là điều dễ dàng nhận thấy do áp lực bán hàng từ Brasil cũng tăng theo tiến độ thu hoạch vụ mùa mới, trong khi nhà đầu tư có thêm mối lo dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9/2020 phiên ngày 10/07/2020

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London không có sự biến động nào đáng kể. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 vẫn đứng ở 1.197 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 vẫn đứng ở 1.215 USD/tấn, các mức không đổi. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, sàn cà phê Arabica ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,35 cent, xuống 97,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,3 cent, còn 100,05 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không thay đổi, vẫn dao động trong khung 30.800 – 31.200 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.315 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 80 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Đồng Reais tăng nhẹ thêm 0,26 %, lên ở mức 1 USD = 5,3230 Reais do tiếp tục lạc quan về khả năng điều trị dịch bệnh, cho dù báo cáo diễn biến đại dịch Covid-19 vẫn gia tăng ở khu vực Bắc Mỹ và Đông Á khiến nhiều thành phố phải áp dụng các biện pháp cách ly trở lại, điều này cho thấy sự hồi phục kinh tế toàn cầu chưa thể chắc chắn và tỷ giá hối đoái vẫn chưa thể ổn định.

Các thị trường cà phê tiếp tục biến động theo xu hướng tiêu cực khi Brasil bước vào giai đoạn cuối của vụ thu hoạch mới. Theo Safras & Mercado, thu hoạch cà phê Conilon Robusta cơ bản đã hoàn tất, trong khi thu hoạch Arabica muộn hơn, sẽ hoàn tất khoảng đầu tháng Tám. Do đó, áp lực bán hàng vụ mới từ Brasil ngày càng tăng.

Viện Địa lý và Thống kê Brasil (IBGE) vừa cập nhật dự báo vụ mùa mới với tổng sản lượng cà phê năm 2020 khoảng 59 triệu bao, tăng 18,2% so với vụ mùa năm 2019. Do con số của IBGE đưa ra thường chênh lệch với thực tế từ 5 – 10% và do đó, có thể khẳng định dự báo này sẽ không mấy tác động tâm lý thị trường vào lúc này.

Trong khi đó, cà phê Robusta vụ mới của Indonesia cũng bắt đầu được bán ra thị trường địa phương những đã có sự cạnh tranh mua giữa nhà rang xay và thương nhân nội địa, trong khi nhà xuất khẩu cũng cạnh tranh mua ở mức cao, góp phần đẩy giá chênh lệch lên cao hơn nữa. Ghi nhận cà phê Lampung loại 4, có 80 hạt lỗi, hiện có mức cộng hơn 200 USD/tấn so với giá kỳ hạn London.

Thị trường cũng đã lên tiếng về sự chênh lệch giữa giá cà phê thực tế và giá cà phê kỳ hạn. Điều này cho thấy các sàn cà phê phái sinh thế giới đã không góp phần tạo ra thuận lợi mà còn gây thêm khó khăn cho việc kinh doanh cà phê hiện nay.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng