Ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng với khoảng 20% diện tích cà phê trên 20 năm tuổi cần được thay thế và trên 150 nghìn ha có độ tuổi từ 15-20 năm cần được trẻ hoá để nâng cao năng suất.
Việc tái canh cây cà phê là kế sách lâu dài nhằm phát triển ngành cà phê một cách bền vững, tránh gây ra giảm sút đột biến về chất lượng cũng như sản lượng cà phê trong những năm tới.
Khoảng 140-150 nghìn ha cà phê già cỗi cần thay thế
Theo thống kê của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, hiện nay cà phê vối Robusta vẫn chiếm đến 92,9% diện tích cà phê cả nước và chủ yếu được trồng bằng hạt, trong khi đó diện tích dòng cà phê vô tính năng suất, chất lượng cao đã được công nhận chỉ chiếm khoảng 5-7%, tập trung tại Lâm Đồng và Đăk Lăk.
Do đó thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng diện tích cà phê chè thay thế cà phê vối già cỗi, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh mẽ dự án phát triển giống cà phê, tập trung nhân giống và chuyển giao nhanh các dòng cà phê vô tính đã được công nhận.
Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), trong một thời gian dài, sản xuất cà phê của Việt Nam chú trọng quá nhiều vào thâm canh để có năng suất cao với mức trung bình đạt gần 2 tấn/ha, rất cao so với năng suất bình quân thế giới.
Khi giá cà phê lên cao, người nông dân sử dụng phân bón hoá học, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức khuyến cáo, trong khi ít bón hoặc không bón phân hữu cơ; tiết giảm hoặc loại bỏ cây che bóng để tăng mật độ cà phê…
Những hệ quả trên làm cho các vườn cà phê nhanh xuống cấp, sâu bệnh gia tăng, chi phí giá thành cao, đất trồng nhanh thoái hoá. Do vậy diện tích cà phê già cỗi phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới được dự kiến khoảng 140-150 nghìn ha.
Vicofa cũng cho biết, kinh nghiệm của các nước đã tiến hành tái canh cà phê trên quy mô lớn như: Colombia, Ấn Độ cho thấy cần phải xây dựng chương trình tái canh chủ động, có các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, chính sách, nguồn lực đầu tư và phải tiến hành theo từng bước theo hướng trồng lại không quá 20% diện tích cà phê cần thay thế.
Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay việc trồng lại cà phê trên các diện tích cà phê già cỗi phải “thanh lý” rất ít thành công bởi chỉ sau thời gian trồng từ 2-3 năm, cà phê tái canh trên các diện tích trồng lại đã tiếp tục bị vàng lá.
Hàng loạt các công ty cà phê ở Đắk Lắk đã vấp phải những thiệt hại này như: Công ty cà phê Chư Quynh, Công ty cà phê Buôn Hồ, Krong Ana, Thắng Lợi, Phước An… Một số lớn diện tích cà phê thuộc nông hộ khi trồng tái canh cũng không tránh khỏi hiện tượng này. Chỉ một số ít mô hình do Tổng công ty Cà phê Việt Nam tiến hành tại nông trường cà phê Iagrai và Iasao là thành công và hiện sinh trưởng tốt.
Qua kinh nghiệm của các địa phương và doanh nghiệp tái canh cà phê thành công cho thấy, giải pháp kỹ thuật quan trọng trong tái canh cà phê là phải kiểm tra đất và có biện pháp xử lý cải tạo đất kỹ lưỡng; thực hiện nhổ cây thu gom rễ triệt để, tiến hành luân canh trồng cây khác từ 2-4 năm với cây trồng luân canh phải là những loại cây như: ngô, đậu, bông; bón tăng lượng phân bón hữu cơ kết hợp phân vô cơ và bón vôi…
Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đang hoàn thiện quy trình ghép thay đổi giống cà phê với tỷ lệ thành công đạt trên 90%. Thành công này sẽ góp phần nhân nhanh các giống cà phê chọn lọc mới như: TR4, TR5, TS2, TS4… có khả năng cung cấp 4 triệu chồi ghép/năm, đảm bảo chất lượng cây giống cho các vườn ươm, tiết kiệm được chi phí phòng bệnh, nâng cao phẩm cấp giống…
Nâng cao chất lượng cà phê nhân
Một trong những hạn chế nữa của ngành cà phê Việt Nam hiện nay là chất lượng sản phẩm không cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp. Do đó cũng cần phải nâng cao hiệu lực công tác quản lý thu hái, chấm dứt triệt để tình trạng thu hoạch quả xanh bởi việc này không chỉ làm giảm chất lượng mà còn gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng mà nông dân thường không đánh giá đầy đủ được.
Nghiên cứu của Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, nếu thu hoạch toàn bộ quả xanh vào đầu và giữa vụ thu hoạch thì sự hao hụt về sản lượng lên đến 20%, mặt khác nếu tiếp tục thu hái quả xanh, thời vụ thu hoạch cà phê sẽ chuyển dịch dần vào cuối mùa mưa, càng gây nhiều bất lợi cho công tác chế biến.
Nguyên nhân chính khiến nông dân có thói quen chọn lựa việc thu hái quả xanh nhiều là do chi phí thu hoạch quả chín và việc bảo vệ sản phẩm ngoài đồng thường rất tốn kém trong khi đó phương thức thu mua sản phẩm hiện nay với giá bán từ quả chín không khác gì quả xanh sẽ không có tác dụng khuyến khích người nông dân sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao.
Bên cạnh đó do thiếu sân phơi, nông dân thường có tập quán lưu giữ quả trong bao sau khi thu hoạch để rút ngắn thời gian phơi và đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cà phê do quá trình phát sinh nấm mốc, nấm men; quá trình chuyển hoá màu sắc của nhân và giảm chất lượng mùi vị đáng kể…
Ngoài việc xác lập chương trình nghiên cứu tổng hợp việc ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác của người sản xuất cho đến lưu thông phân phối, tổ chức chế biến… để nâng cao giá trị gia tăng của cây cà phê, ngành cà phê Việt Nam cũng đang hỗ trợ và phát triển tích cực chương trình sản xuất cà phê được cấp chứng nhận chất lượng theo quy trình của các tổ chức chứng nhận chất lượng như: UTZ Certified, Hiệp hội Cà phê 4C…
Cà phê được sản xuất theo các quy trình trên không những cải thiện đáng kể được chất lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ người sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam trong những năm tới.
chào bà con. Mình đang gặp khó khăn về việc tìm hiểu diện tích cà phê chè (người dân hay gọi là cà phê Arabica hay cà phê catimor) tại một số huyên ở tỉnh Lâm Đồng, có bà con cô bác nào biết thì hỗ trợ theo địa chỉ mail này nha. Cảm ơn nhiêu!