Thông qua việc ủy thác vốn vay với các đoàn thể chính trị – xã hội, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách – xã hội (NHCSXH) tỉnh Ðác Nông đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp họ đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Nhờ đó, ở các xã vùng sâu, vùng đồi núi, vùng đồng bào DTTS xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi, mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ðược tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi
Ðến buôn Bu Kon, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi được nghe kể nhiều về gia đình anh Y Lanh, một trong những hộ thoát khỏi đói nghèo do sử dụng có hiệu quả vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Anh Y Lanh tâm sự: “Gia đình tôi có năm ha đất sản xuất, trước đây không có vốn đầu tư nên chỉ trồng hai ha cà-phê, diện tích còn lại trồng các loại hoa màu ngắn ngày. Do không được đầu tư, chăm sóc nên năng suất vườn cà-phê chỉ đạt 5 tạ/ha, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Năm 2005, được Hội Nông dân phường Nghĩa Tân đứng ra tín chấp, tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh về đầu tư đào ao, mua máy nổ, bơm, ống nước và phân bón, thuốc trừ sâu… để tưới, chăm sóc hai ha cà-phê, diện tích còn lại chuyển sang trồng ngô lai, mì cao sản. Ðược sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác của Hội Nông dân phường và chăm chỉ làm ăn, năm 2007 đến nay năng suất vườn cà-phê đã đạt hai tấn cà-phê nhân/ha/năm, mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thu được 25 triệu đồng từ bán ngô lai, mì nên trong năm đầu tiên đã trả xong vốn và lãi cho ngân hàng. Năm 2008, gia đình tôi đã thoát nghèo và mua sắm đầy đủ phương tiện sinh hoạt trong gia đình, chăm lo con cái học hành chu đáo”.
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Gia Nghĩa Nguyễn Văn Chiến phấn khởi cho biết: “Nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo ở thị xã Gia Nghĩa đã đi lên từ nguồn vốn vay. Chương trình ủy thác vay vốn giữa NHCSXH và Hội Nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân, nhất là hộ nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Ðến nay, toàn thị xã có 3.510 hội viên nông dân, thì đã có 2.000 hội viên được vay vốn, trong đó có 412 hội viên người DTTS với dư nợ hơn 21 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh, nuôi con cái học hành…
Hằng năm, Hội còn phối hợp với Trạm khuyến nông-khuyến ngư, Trạm bảo vệ thực vật thị xã vận động đồng bào chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật (KHKT), trình diễn các mô hình kinh tế hiệu quả… ngay tại buôn, làng để bà con áp dụng vào sản xuất, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên làm giàu. Ðến nay, trên địa bàn thị xã có 968 hội viên nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi; 40% số hội viên nông dân đã vươn lên khá, giàu có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Ở huyện vùng sâu Ðác Glong, với dân số khoảng 40 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 67% thì phần lớn đều được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi… Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ðác Glong Huỳnh Quang Dung cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, toàn huyện đã có 4.300 hộ nghèo, đối tượng chính sách, trong đó có 2.100 hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi của Nhà nước với dư nợ 72 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông K’Yung ở thôn 9, xã Quảng Khê. Ông K’Yung kể: “Gia đình tôi có hơn hai ha đất đỏ ba dan màu mỡ, nhưng trước đây do không có vốn nên chỉ trồng hoa màu, hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm 2004, được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn, tôi đã vay 30 triệu đồng từ NHCSXH về đầu tư mua giống, phân bón trồng được hai ha cà-phê. Thấy hiệu quả từ cây cà-phê mang lại cao, tôi dành dụm tiền mua thêm đất để mở rộng sản xuất.
Từ hai ha cà-phê ban đầu, đến nay gia đình tôi đã trồng được hơn 10 ha cà-phê kinh doanh, cây ăn quả và nuôi hơn 20 con bò để lấy phân bón cho vườn cà-phê. Hiện nay, mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, tôi thu về hơn 400 triệu đồng”. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông K’Yung còn tích cực hướng dẫn cách làm ăn, quy trình thâm canh, chăm sóc cây trồng cho bà con trong thôn, trong xã. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ vốn cho các hộ nghèo mà không tính lãi. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên làm kinh tế vườn đồi hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Ðác Nông hiện còn 25 xã đặc biệt khó khăn, biên giới và số hộ nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào DTTS đông nên việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm. Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Ðác Nông Trần Mốt cho biết: Ðể nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đối với công tác xóa đói, giảm nghèo (XÐGN), Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã ký văn bản liên tịch với bốn tổ chức chính trị – xã hội là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Tỉnh đoàn để ủy thác vốn vay nhằm hạn chế mất mát, rủi ro trong hoạt động tín dụng. Ðồng thời thông qua các tổ chức chính trị – xã hội này giúp cho việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.
Thực hiện chương trình đã ký kết, phía ngân hàng thường xuyên cử cán bộ tín dụng xuống cơ sở để kiểm tra, xem xét, có những tư vấn riêng cho từng hộ, từng vùng về phương thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp; còn các tổ chức chính trị – xã hội tập trung tuyên truyền, vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng và trình diễn các mô hình kinh tế hiệu quả ngay trong vùng đồng bào DTTS để bà con áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Với cách làm đó, dư nợ của chi nhánh tăng mạnh từ 72 tỷ đồng trong năm 2005 đến nay tăng lên 720 tỷ đồng, với 50.500 hộ được vay vốn, trong đó có 14.297 hộ đồng bào DTTS vay với số tiền hơn 128 tỷ đồng; dư nợ tại các xã đặc biệt khó khăn đạt hơn 206 tỷ đồng… Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho 2.840 hộ thoát nghèo, 10.934 hộ cải thiện được đời sống, 5.606 hộ có chuyển biến nhận thức về tư duy làm ăn và 9.428 lao động được tạo việc làm mới…
Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Nông Lê Diễn khẳng định: Thông qua việc ủy thác vay vốn với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội còn làm thay đổi tư duy nhận thức trong sản xuất của đồng bào, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, du canh du cư sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa nên đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay. Trong vòng năm năm trở lại đây, hiệu quả sử dụng đất trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Ðác Nông được nâng lên và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế vườn đồi với quy mô lớn như trồng rừng, cà-phê, cao-su, khoai lang Nhật Bản, chanh dây, cây ăn quả… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của phần lớn đồng bào DTTS trong tỉnh đã có nhiều cải thiện rõ nét; bộ mặt các buôn, làng đã và đang có nhiều thay đổi lớn. Là một tỉnh miền núi, nhưng thu nhập bình quân đầu người của Ðác Nông đã đạt 13,85 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm mạnh từ 33,73% năm 2005 đến nay còn 19,04%; nhất là số hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 63,93% giảm xuống còn 26%…
Nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn vay
Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và đồng bào DTTS chiếm 34,5% dân số như Ðác Nông thì làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, góp phần đẩy nhanh công tác XÐGN, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào, bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành trong tỉnh hiện nay.
Bởi thực tế thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi cho đồng bào vay ngày càng lớn nhưng bên cạnh một bộ phận đồng bào chịu khó làm ăn, thì vẫn còn một bộ phận đồng bào ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một bộ phận khác do trình độ dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế, nên khi được vay vốn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chỉ lo mua sắm phương tiện sinh hoạt trong gia đình, thậm chí có trường hợp khi vay vốn về không dám đầu tư làm ăn do sợ mất vốn không có tiền trả lại cho ngân hàng… nên đến nay số hộ nghèo vẫn còn cao.
Do đó, để giúp đồng bào đầu tư đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, thì cùng với việc đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và các nguồn vốn khác đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của đồng bào, UBND tỉnh Ðác Nông chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều chính sách khác hỗ trợ cho hộ nghèo, đồng bào DTTS một cách thiết thực như tăng cường trách nhiệm của các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác hướng dẫn, tư vấn cho đồng bào trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và giám sát nguồn vốn vay.
Ðẩy mạnh hoạt động khuyến nông – lâm – ngư xuống tận các buôn, làng, trang bị kiến thức, hướng dẫn đồng bào cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập. Tập trung khai hoang giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ nghèo thiếu đất theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào DTTS xóa nhà tạm bợ, dột nát để họ ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho đồng bào nhằm tạo việc làm ổn định. Ðồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực, nhận thức… giúp đồng bào nâng cao đời sống về mọi mặt và thoát nghèo một cách bền vững.
Nguồn Nhân Dân