Tuy các thị trường hàng hóa có dấu hiệu tăng mua sau khi nhiều quốc gia dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội nhưng suy đoán tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài trong cả quý II.
Tính chung cả tuần 18, thị trường London có 5 phiên tăng liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 61 USD, tức tăng 5,33%, lên 1.205 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 59 USD, tức tăng 5,06 %, lên 1.226 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trong khi đó, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 0,65 cent, tức giảm 0,56 %, xuống 106,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm tất cả 0,6 cent, tức giảm 0,51 %, còn 107,25 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 1.200 – 1.300 đồng, lên dao động trong khung 30.100 – 30.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta duy trì đà tăng trong suốt cả tuần do lo ngại tồn kho được sàn London chứng nhận đã giảm liên tục xuống ở mức khá thấp vì giãn cách xã hội. Đặc biệt không có tàu vận chuyển cà phê về châu Âu trong khi đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Trái lại, giá cà phê Arabica vẫn dao động ở mức thấp kéo dài không chỉ do áp lực bán hàng vụ mới từ Brasil mà còn do đồng Reais hiện đang ở mức “tồi tệ” đã kích thích nhà nông đẩy mạnh bán ra.
Các nhà quan sát cho rằng việc tháo dỡ các biện pháp giãn cách xã hội sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng trưởng trở lại, nhưng đà tăng không thể nhanh chóng ngay lập tức mà cần thêm thời gian.
Theo Báo cáo Thương mại tháng Ba của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 3 năm 2020, xuất khẩu cà phê Arabica đạt tổng cộng 82,09 triệu bao, tăng 0,24% so với 12 tháng trước đó, trong khi xuất khẩu cà phê Robusta lên tới 47,76 triệu bao, tăng 5,31% so với cùng kỳ. Sức tăng nói chung được đánh giá là vẫn ổn định so với nhu cầu tăng trưởng.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Aarabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 21/4, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế mua ròng thêm 2,65% lên đăng ký ở 10.079 lô, tương đương 2.857.352 bao và có khả năng đã giảm trở lại sau giai đoạn thương mại chủ yếu đi ngang kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế bán ròng thêm 6,59 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ngắn hạn ở 35.080 lô, tương đương 5.846.667 bao và có khả năng đã giảm trở lại sau giai đoạn thương mại tích cực hơn kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 27/4, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 1.890 tấn, tức giảm 1,36 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 136.600 tấn (tương đương 2.276.667 bao, bao 60 kg).
Tổng cục Thống kê Việt Nam đã ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng Tư sẽ khoảng 2,83 triệu bao, đưa xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm nay ước tổng cộng 10.98 triệu bao, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Anh Văn (Giacaphe.com)