Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức chưa từng có của khối OPEC đã góp phần tác động tích cực lên các thị trường hàng hóa nói chung, trong khi đại dịch Covid-19 làm suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài chưa thể lường hết được…
Kết thúc phiên giao dịch một mình đầu tuần, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 0,85 cent/lb, lên 120,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,8 cent/lb, lên 121,75 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Trong khi đó, sàn ICE Europe – London đóng cửa nghỉ lễ Ngày thứ Hai Sau Phục Sinh (Easter Monday), không giao dịch.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không thay đổi, vẫn dao động trong khung 29.400 – 29.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, vẫn đứng ở 1.309 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 70 – 90 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Đồng Reais giảm 1,78 %, xuống ở mức 1 USD = 5,1830 Reais do áp lực kéo giảm từ thị trường dầu mỏ sau khi khối sản xuất OPEC thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày đã hỗ trợ chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại và báo cáo dịch bệnh tại tâm điểm New York đã có chút lạc quan. Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn chưa làm giảm dư thừa nguồn cung do đại dịch Covid-19 khiến cho công nghiệp toàn cầu sụt giảm chưa từng thấy.
Thị trường hàng hóa nói chung tiếp tục sụt giảm vì thiếu sức mua và kỳ nghỉ Phục Sinh kéo dài ở châu Âu ngày hôm qua, cho dù báo cáo dịch bệnh không chỉ ở “lục địa già” mà ngay ở tâm dịch New York đã có dấu hiệu chững lại khi con số tử vong toàn cầu lên tới hơn 119 ngàn người.
Hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5 sàn London sắp đáo hạn, nhà đầu tư cần cân đối, điều chỉnh vị thế có thể hỗ trợ giá tăng; trong khi nhu cầu bán hàng Conilon Robusta vụ mới của Brasil không hề nhỏ sẽ là lực cản kéo dài, ít nhất tới hết tháng Sáu. Vấn đề còn lại thuộc về sức đầu cơ trên thị trường phái sinh, nhưng xem ra vẫn khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch vẫn còn kéo dài.
Anh Văn (giacaphe.com)