Bất đồng giữa khối sản xuất dầu mỏ OPEC và Nga, khi Ả Rập Xe Út tuyên bố sẽ gia tăng sản xuất và bán dầu thô với giá thấp hơn, đã khiến hầu hết các thị trường chứng khoán và hàng hóa chao đảo, buộc phải đình chỉ giao dịch để giảm nhiệt. Giá cà phê dường như được hưởng lợi khi khối lượng giao dịch tăng vọt trên cả hai sàn kỳ hạn sau sự “hoảng loạn” ban đầu.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh trái chiều. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 2 USD, lên 1.247 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 2 USD, còn 1.262 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch tăng vọt lên ở mức “khủng”, hiếm thấy.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 1,8 cent/lb, lên 109,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 1,85 cent/lb, lên 111,15 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 0 – 100 đồng, lên dao động trong khung 30.500 – 30.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.327 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 60 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Đồng Reais giảm mạnh 2 %, xuống ở mức 1 USD = 4,7270 Reais, phản ánh sự hổn loạn của thị trường toàn cầu giữa khủng hoảng dầu mỏ kết hợp với conoravirus lây lan rộng khắp trong một phiên giao dịch đã buộc thị trường phải “cắt cầu dao” (circuit breaker). Tuy nhiên, nguyên nhân được cho là do sự bất đồng giữa Ả Rập Xê Út, một thành viên của khối sản xuất OPEC, với Nga trong việc cắt giảm sản lượng dầu thô, đã khiến giá dầu rơi xuống mức thấp “tồi tệ nhất” kể từ năm 1991.
Sau sự hoảng loạn chung của thị trường ngay khi mở cửa, giá cà phê kỳ hạn đã có sự hồi phục hết sức ngoạn mục vào cuối phiên do được đầu cơ và quỹ lựa chọn để “gửi vốn” khi giá London rơi xuống chạm mức thấp nhất kể từ 2008.
Suy đoán Fed sẽ sớm ra tay để ổn định thị trường cho dù vừa cắt giảm lãi suất USD bớt 0,5%.
Anh Văn (giacaphe.com)