Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng đã đẩy nền kinh tế thế giới suy thoái đến mức lo ngại buộc các NHTW lớn trên thế giới phải có biện pháp mới nhằm ngăn chặn đà suy thoái. Fed đã đi đầu với việc cắt giảm 0,5% lãi suất, mức giảm chưa từng xảy ra kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Tính chung cả tuần 10, thị trường London có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 38 USD, tức giảm 2,96%, xuống 1.245 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm tất cả 28 USD, tức giảm 2,92 %, còn 1.264 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 3,95 cent, tức giảm 3,55 %, xuống 107,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm tất cả 3,95 cent, tức giảm 3,49 %, còn 109,3 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 500 – 600 đồng, xuống dao động trong khung 30.400 – 30.900 đồng/kg.
Thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục biến động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng khắp làm nhiều hoạt động sản xuất lẫn tiêu thụ bị đình chỉ bắt buộc. Mặc dầu giá cả hàng hóa đã có chút khởi sắc ngay khi Fed cắt giảm lãi suất USD bớt 0,5% nhưng sự suy thoái nói chung của nền kinh tế toàn cầu đã khiến các đầu cơ và quỹ tiếp tục rút vốn ra khỏi nhiều thị trường để tìm nơi trú ẩn khiến giá vàng tăng vọt trở lại, trong khi giá dầu thô giảm sâu và giá cà phê suy yếu theo trong ngắn hạn là điều khó tránh khỏi.
Suy đoán Uỷ ban Chính sách Tiền tệ (Copom) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất sau khi Ngân hàng Trung ương Brasil (BC) vừa bơm 5 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản do đồng Reais vừa có một chuỗi giảm khá dài xuống ở mức 4,650 Reais = 1 USD, mức thấp kỷ lục lịch sử, nhưng lại rất có lợi để người Brasil đẩy mạnh bán hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của họ như đường, cà phê…
Dự kiến trong tuần tới sẽ có nhiều NHTW lớn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để góp phần kích thích kinh tế toàn cầu thoát khỏi sự trì trệ do dịch bệnh Covid-19 gây ra hiện nay. Tuy nhiên, thị trường trong ngắn hạn vẫn tạm thời thuộc về “gấu đầu cơ”.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Aarabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 25/02, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 1,8% so với tuần thương mại trước đó xuống đăng ký bán ròng ở 16.229 lô, tương đương 4.600.850 bao và có khả năng tăng mạnh trở lại sau giai đoạn thương mại tiêu cực hơn kể từ đó tiếp theo.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế bán ròng thêm 3,27 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ngắn hạn ở 40.899 lô, tương đương 6.816.500 bao và có khả năng đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại có phần suy yếu hơn kể từ đó tiếp theo.
Cơ quan Thương mại Indonesia báo cáo xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 2 đạt 202.498 bao, tăng 67.986 bao, tức tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2019/2020 đạt tổng cộng 1.300.767 bao, tăng 410.942 bao, tức tăng tới 46,18% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.
Chính phủ Brasil báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 2 giảm 282.300 bao, tức giảm 9,13% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ đạt 2.810.200 bao. Nguyên nhân xuất khẩu trong tháng này sụt giảm là do xuất khẩu cà phê Arabica đã tăng mạnh trong những tháng trước đó.
Cooxupé, hợp tác xã cà phê lớn nhất của Brasil và cả thế giới đã báo cáo lượng cà phê dự trữ tại một số kho khu vực có thể cho là cạn kiệt do họ đã bán theo hợp đồng hàng giao sau.
Liên đoàn gieo trồng cà phê quốc gia (FNC) ở Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê trong tháng 2 đạt 1.001.000 bao, giảm 105.000 bao, tức giảm 9,49% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế sản lượng trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2019/2020 đạt tổng cộng 6.606.000 bao, tăng 535.000 bao, tức tăng 8,81% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
FNC – Colombia cũng báo cáo xuất khẩu cà phê ttrong tháng 2 đạt 1.079.000 bao, giảm 167.000 bao, tức giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2019/2020 đạt tổng cộng 5.596.000 bao, giảm 150.000 bao, tức giảm 2,45% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Dự kiến thu hoạch cà phê vụ mới năm 2020 của Brasil và vụ Mitaca năm nay của Colombia tới quý III mới bắt đầu có hàng ra thị trường.
Anh Văn (Giacaphe.com)