“Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật – mùa con voi xuống sông uống nước – mùa em đi phát rẫy làm nương – anh vào rừng đặt bẫy cài chông…”. Câu hát mời gọi người tìm lên Tây Nguyên – “gõ cửa” các bản làng, nơi bà con các dân tộc đang miệt mài “đầu đội trời, chân đạp đất”…
Cục tiền… gác bếp
Có một người bạn đồng nghiệp đã viết về Ia Grai (Gia Lai) như thế này: “Qua khảo sát thấy, hầu hết các hộ nghèo đều do thiếu vốn và kiến thức làm ăn. Khi được vay vốn rồi, về nhà họ để nguyên, không biết sử dụng vào việc gì. Mấy năm sau, đến hạn trả thì lấy nguyên cục tiền mang ra trả lại cho cán bộ. Hỏi lý do vì sao không dùng đến số tiền đó, họ trả lời rất thật thà “cho mình vay thì mình nhận thôi.
Nhận về sợ không biết cách làm; mua bò, mua heo cũng sợ; để chồng con nó biết cũng sợ… tiêu pha hết thì lấy đâu để trả (?)Vậy bỏ tiền vào ống bương treo gác bếp cho chắcV, cho mới! Khi đến hạn trả thì mang gửi lại cán bộ”… Bởi thế, đáp số của bài toán “trăng lên rồi trăng lặn” ở Ia Grai mới chỉ được “bóc tách” trong mấy năm trở lại đây.
Tâm sự cùng chị Mai ở thôn Phù Tiên, xã Ia Hrung, nhắc lại câu chuyện “cục tiền cất gác bếp”, chị cười bảo: “Đến giờ cũng vẫn có người như thế! “. Chị kớ, may mà chị không suy nghĩ giống họ. Mười năm trước, gia đình chị Mai lâm vào cảnh kinh niên đói nghèo tháng ba ngày tám đứt bữa là thường; phải vào rừng vất vả đào bới tìm từng củ mài, củ mớn lót dạ cho qua ngày. Những tháng ngày dài lê thê, vợ chồng, con cái trông nhau ngao ngán ê chề. “Ma đói” luôn rình rập; còn kéo theo bao nỗi lo sợ: ốm đau, bệnh tật, những cơn sốt rét rừng đeo bám…
Nhận đồng tiền vốn vay của Hội Phụ nữ, chị như thấy mình được luồng sinh khí mới thổi vào. Vậy là chị tậu bò, trồng rau màu; nhất là “cấy 5 sào ruộng lúa nước bằng cả 5 ha lúa rẫy” nên hăng làm lắm! Sau mấy vụ trời cho mưa thuận gió hòa, gia đình tích cóp được chút vốn liếng thì đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu; phát triển chăn nuôi gia cầm. Chị kể: “Mấy năm nay, vợ chồng tôi làm ăn có… hậu; tính nè: hơn 5 ha cà phê, vài trăm trụ tiêu, 3.000 chú chim cút với trên 2.000 con gà thả vườn… mỗi năm treo “gác bếp” ngót 100 triệu đồng có ngon?”.
Vẫn thua chị, kém em
Về làng Mái, nghe bà con nhắc mãi tới cái tên ” Ksor Mach “bê – bò” thấy vui lây. Nhắc lại chuyện năm nào, chị Ksor Mach không giấu nổi xúc động, kể: “Trước năm 2000, gia đình tôi sống ngợp trong âu lo buồn tủi. Nhà cửa thì tuềnh toàng, xiêu vẹo; vợ chồng con cái quanh năm tứ mùa phải ăn đói, mặc rách; rồi nợ nần chồng chất năm này qua năm khác. Được Hội Phụ nữ quan tâm giúp đỡ, cho vay 2 triệu đồng, tôi mua liền 1 bê con; số còn lại tậu heo nái và sản xuất lúa nước”.
Ngước mắt quanh ngôi nhà xây khá tươm tất, lại ngó vội cái xe máy đậu trước cửa, tôi hỏi chị Mach: Vốn liếng ban đầu cả cơ nghiệp chỉ vỏn vẹn có vậy, rồi làm giỏi sao mà “phất” nhanh dữ vậy? Nở nụ cười chân chất, chị nói: “Hồi nào, tôi vay vốn rồi còn phải đi học chán ra. Theo các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi; cả lớp trình diễn khuyến nông, khuyến lâm… Bởi vậy, sau này tôi biết cách lựa chọn giống lúa mới cho năng suất cao vào sản xuất mùa vụ. Hiện nay, lúa cho thu hoạch trên 5 tấn /ha. Con bò cũng là thứ giống mua theo bà con; đúng là mình nuôi có mát tay nên gần chục con, con nào con nấy cứ chắc nịch. Có vốn dư dật, cái đầu mình lại nghĩ khôn ra: trồng rừng, trồng cà phê… Dẫu đó thì cũng còn “lép vế”, “thua chị kém em” nhiều lắm. Còn phải lao tâm khổ tứ”.
Được biết, ở Ia Grai đang nở rộ phong trào “chị em giúp đỡ chị em”. Những chị em có của ăn của để giúp các chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Họ sống nương nhờ lẫn nhau, dựa vào nhau mà sống trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” – tình làng nghĩa xóm đậm đà. Họ tương trợ nhau từ cây ngô giống tới việc “cho mượn” con giống, cho vay vốn làm ăn không tính lãi… Để xua đi cái kiếp nghèo sống chung sống chạ suốt bao đời, trong lúc bà con đầu óc “nửa mùa”, vốn liếng chữ “0” nằm ở ngay cửa miệng…, thì hơn lúc nào hết cán bộ các cấp chính quyền đều không được phép rảnh tay. Phải nghĩ, phải tư duy “gõ” ngay cái đầu mình trước để xem mình có thực sự là kẻ thù của đói nghèo…
Nghĩa là mình (cán bộ) phải tự lo tháo gỡ, bứt hẳn cái nghèo ra khỏi chính bản thân, gia đình và cao hơn là biết lo cho dân – ngay trong bản, ngoài xã! ấy là nỗi trăn trở của hết thảy các cán bộ từ cấp huyện cho tới thôn quê. Suy nghĩ của cán bộ các cấp hội phụ nữ cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Các chị cố tìm ra nguyên nhân – “con đường” dẫn đến đói nghèo, lạc hậu; trên cở sở đó có kế hoạch huy động mọi nguồn vốn tại chỗ, cũng như việc sử dụng nguồn vốn sẵn có như thế nào để mang lại hiệu quả. Qua tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, nhất là các hộ nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn, các cấp hội mới giương lên khẩu hiệu “Làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình? “.
Vậy là huy động vốn từ các hộ khỏ, cán bộ, thương nhân; vốn “trao đổi” giữa các hội viên bên cạnh đồng vốn vay của Ngân hàng NN &PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội… để giải quyết cuộc sống, từ thấp đến cao. Hàng trăm chị em lần lượt được đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình làm kinh tế giỏi. Hằng năm, huyện mở nhiều lớp tập huấn về chuyển giao KHKT &CN, các lớp kỹ thuật trồng rừng, cà phê, hồ tiêu, ngô lai; cách thức chăn nuôi dê, bò lai, heo hướng nạc… Hội phụ nữ kết hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông mở các lớp hội thảo đầu bờ IPM trên cây lúa.
Cánh diều Ia Pếch
Từ trung tâm xã, con đường đất đỏ khá rộng “mọc” ra chi chít những nhánh nhỏ, xuyên qua những mảng rừng bạt ngàn cao su, cà phê, xà nu, thông bóng tỏa xuống các bản làng xa xôi Ia Pếch. Gặp một tốp nam, nữ bên bìa rừng; theo dõi, tôi thấy họ đang mải mê chặt cành, dựng lán; kế bên quăng lổng nhổng những ba lô, túi sách, với xoong nồi, bát đĩa… Tôi mới buột miệng hỏi đùa: Các anh, chị “thi”… cắm trại tít tận rừng sâu “ờ ờ chào người anh em (!)Đấy là thi dựng lán xem ai nhanh hơn” À- gã đàn ông có cái đầu húi cua đáp lại bằng một câu tếu táo. ở góc nọ, một chị trạc tuổi tứ tuần cất tiếng giọng thật thà: “Nhà quê chúng em mãi tận tỉnh Hòa Bình, mùa này mới kéo nhau lên vùng này tìm hoa gây mật cho con ong; chỉ dựng lán tạm trú ngụ dăm bữa nửa tháng ấy thôi”.
Làng Sít Tâu gần như được phủ trắng bởi hoa – những vườn cà phê xanh đang kỳ sung sức trải dài tới phía bên kia sườn núi. Lấp ló giữa vườn cà phê hoa trắng, mấy cô gái trong sắc màu áo, váy cao nguyên đang miệt mài, chăm chút.
Anh Rolan Huyên, một trong số hàng chục hộ làm kinh tế giỏi ở trong làng mải miết bên những luống cà phê nhà mình. Trò chuyện với khách, anh cho biết: ở cái đất “đặc biệt khó khăn” này, để ổn định cuộc sống, bà con phải bươn chải, vật lộn rất nhiều; còn ai nếu muốn “phất” lên thì phải biết “gồng mình”. Quả là như vậy. Đối với gia đình anh Rolan Huyên, có được một cơ ngơi: Căn nhà rộng rãi, ao cá, ruộng trồng lúa, trồng màu và nhất là có trên 1 ha cà phê đang cho thu hoạch – vợ chồng đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức; ngày ngày họ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để hôm nay, mỗi năm cho thu nhập 20 triệu đồng – ấy là cái khoản thu nhập “trong mơ” của không ít người trên vùng đất cao nguyên xa xôi, thời tiết khắc nghiệt này.
Ia Pếch là xã vùng 3, đất rộng, người thưa. Trình độ dân trí vốn đã thấp, còn kéo theo những tập tục lạc hậu; bà con quen sống theo lối độc canh, độc cư, phát rẫy làm nương; cơ sở hạ tầng hầu như chưa phát triển… Bởi thế Ia Pếch là xã nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HĐND huyện Ia Grai, Ksor Oét tâm sự: “Trong những năm qua, huyện chủ trương đưa ra nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Bà con “đói” thông tin thì tìm cách “chở” thông tin đến với họ; họ thiếu kiến thức về sản xuất thì huyện cắt cử cán bộ thay phiên nhau về cơ sở, trực tiếp phân tích, giảng giải cho từng lớp học, giúp bà con nắm vững cách thức mùa vụ gieo trồng, chăn nuôi. Rồi trên hỗ trợ về vốn, cây, con phù hợp với lợi thế của từng địa phương; để các xã từ đó có hướng phát huy, mau chóng thoát khỏi cảnh đói nghèo và tiến tới làm giàu”.
Ia Pếch cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Một cán bộ xã Ia Pếch bộc bạch: “Khi đã có “đường đi nước bước” rồi thì Ia Pếch nó như cái diều, cứ thế mà phất. Hệ thống thuỷ lợi được quan tâm; đường dây tải điện lưới quốc gia đã tới từng hộ; rồi trường học, trạm y tế xã được xây dựng, rồi Chương trình nước sạch cũng đã “gõ cửa” từng nhà. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể”.
Trên khắp núi rừng Tây Nguyên bao la hùng viọ, mùa xuân này rộn ràng trong veo. Xa xa vang vọng tiếng chiêng cồng. Dẫu nơi đây chưa thể rũ hết nghèo, nhưng có một điều khẳng định chắc chắn rằng, trên khắp buôn làng Tây Nguyên đang thực sự khởi sắc.
Thu Dung – Đời Sống & Pháp Luật