Ngành cà phê sẽ tiếp tục gặp khó khăn!

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2009 Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng khoảng 1,163 triệu tấn cà phê (chủ yếu là cà phê robusta) sang 97 quốc gia, đạt kim ngạch 1,705 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,6% về lượng nhưng lại giảm tới 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, xuất khẩu cà phê tới 10 thị trường lớn nhất (trừ Bỉ và Hà Lan) đều có mức sụt giảm kim ngạch khá mạnh (từ 5-45%) so với cùng kỳ năm 2008. Năm 2010, dự báo ngành cà phê Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn.

Khó càng thêm khó

Đầu năm 2010, bất chấp những dự báo khá lạc quan về kinh tế toàn cầu cũng như tình hình tiêu thụ và dự trữ cà phê thế giới, viễn cảnh về một năm khởi sắc trở lại của cà phê Việt Nam dường như vẫn không mấy sáng sủa. Tính cả ba tháng đầu năm, giá và lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ ba năm trở lại đây.

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2010 dự kiến diện tích gieo trồng cà phê cả nước sẽ đạt khoảng 530.000 héc ta, tăng 0,6% so với năm 2009. Trong đó diện tích thu hoạch được ước tính ở mức 515.000 héc ta, tăng 1% so với năm 2009. Năng suất cà phê dự báo đạt 21 tạ/héc ta và sản lượng niên vụ 2010 sẽ lên tới 1,082 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2009.

Tuy nhiên, theo AGROMONITOR, mục tiêu của Bộ NN&PTNT khó có thể thực hiện được. Theo thông tin từ các địa phương trồng nhiều cà phê ở Tây Nguyên, hiện hàng trăm ngàn héc ta cà phê chỉ còn trông chờ vào mưa để cứu hạn.

Ước tính sơ bộ, tỉnh Đak Nông có khoảng 300 héc ta sẽ bị thiếu nước tưới, Daklak có 1.200 héc ta bị chết khô hoàn toàn.

Thêm vào đó, nếu giá vật tư đầu vào tiếp tục tăng cao trong khi giá bán cà phê ở mức thấp như năm 2009, nông dân sẽ giảm lượng phân bón, số lần tưới nước, không trồng mới thay thế cà phê già cỗi… Như vậy, cả chất lượng và sản lượng cà phê trong năm 2010 khó có thể đạt như dự kiến.

Mặt khác, năm 2009 và quí 1-2010, giá cà phê robusta trên thị trường thế giới liên tục xuống thấp khiến nông dân tại các nước xuất khẩu cà phê rơi vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, dự báo trong vài tháng tới tình hình sẽ được cải thiện, đặc biệt là với cà phê robusta.

Sở dĩ giá cà phê robusta trong quí 1-2010 giảm mạnh không phải do nhu cầu giảm mà do đây là thời điểm thu hoạch chính vụ của cà phê robusta. Nguồn cung ra thị trường quá lớn trong một thời gian ngắn đã tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ ép giá xuống.

Thời gian tới, khi đã qua thời điểm thu hoạch chính vụ, dự báo giá cà phê robusta sẽ dần phục hồi, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi suy thoái, nhu cầu tiêu dùng cà phê được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại (theo ICO, lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2010 ở mức khoảng 134 triệu bao – tăng 1,5% so với năm 2009). Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá cà phê robusta trong năm 2010 sẽ đứng ở mức 1.470 đô la Mỹ/tấn (tính theo giá trị đồng đô la năm 2000), tăng khoảng 6,5% so với năm 2009.

Trong khi đó, giá cà phê arabica lại có xu hướng hoàn toàn trái ngược. Sau khi tiếp tục giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong quí 1-2010, dự báo giá arabica trên thị trường thế giới có thể quay đầu giảm khi Brazil và Colombia – hai nước sản xuất arabica hàng đầu – bước vào thu hoạch chính vụ từ tháng 4. Theo WB, giá arabica trong năm 2010 sẽ giảm còn 2.240 đô la Mỹ/tấn (tính theo giá trị đồng đô la Mỹ năm 2000) so với mức 2.670 đô la/tấn của năm 2009.

Bên cạnh yếu tố cung – cầu, vấn đề tỷ giá cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thị trường cà phê thế giới.

Cuối tháng 3-2010, cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước thuộc khu vực đồng euro đã khiến đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh so với euro. Hậu quả là các nhà đầu cơ đã ồ ạt bán tháo, đẩy giá cà phê xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong những tháng còn lại của năm 2010, theo báo cáo của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, tình hình kinh tế châu Âu đang có chiều hướng xấu đi.

Trong khi đó, theo các báo cáo mới nhất, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hồi phục.

Như vậy, một kịch bản về sự gia tăng đột biến của giá cà phê trên thị trường thế giới trong năm 2010 là khó có thể xảy ra.

Bài toán xuất khẩu

Hiện nay, giá cà phê nội địa Việt Nam gắn khá chặt với giá cà phê xuất khẩu. Do đó, giá thu mua cà phê trong nước trong những tháng còn lại của năm 2010 sẽ không thể khôi phục như hồi năm 2008. Tuy nhiên, trong vài tháng tới tình hình có thể sẽ được cải thiện nếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê của Nhà nước được thực thi hiệu quả cũng như thị trường thế giới khởi sắc trở lại. Một điều chắc chắn rằng, giá cà phê nội địa thời gian tới sẽ không thể giảm quá sâu như năm 2009 bởi theo đề án thu mua tạm trữ cà phê của Chính phủ, mức giá tối thiểu cho cà phê robusta loại 2 là 23.000 đồng/ki lô gam.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2010 dự kiến ở mức 1,1 triệu tấn, giảm 5,8% so với năm 2009. Mức giá dự kiến sẽ đạt 1.550 đô la/tấn, tăng trên 5% so với mức bình quân 2009, nên kim ngạch năm 2010 ước khoảng 1,71 tỉ đô la, bằng năm 2009. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình xuất khẩu ba tháng đầu năm – giai đoạn xuất khẩu cà phê đạt đỉnh theo thông lệ hàng năm – thì con số 1,7 tỉ đô la cho cả năm 2010 dường như khá xa vời.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy quí 1-2010, cả nước mới xuất khẩu được khoảng 345.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 483 triệu đô la, giảm tới 22,3% về lượng và giảm 27,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, phần giảm do số lượng giảm là 147 triệu đô la và phần giảm do giá giảm là 39 triệu đô la. Đơn giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 7,4%, xuống chỉ còn 1.398 đô la/tấn, đưa cà phê trở thành mặt hàng duy nhất trong các nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu có đơn giá xuất khẩu bình quân giảm so với cùng kỳ năm 2009.

Nếu đơn giá nói trên được duy trì cho tới hết năm thì kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 1 tỉ đô la (theo dự báo của Vifoca), tức giảm khoảng 40% so với năm 2009. Nhưng ngay cả khi đơn giá xuất khẩu đạt mức 1.470 đô la/tấn như dự báo của WB cho các tháng còn lại, mục tiêu 1,7 tỉ đô la xuất khẩu cho năm 2010 cũng khó có thể thành hiện thực. Như vậy năm 2010 vẫn là một năm khó khăn cho ngành cà phê Việt Nam.

Nguyễn Thị Thanh Hoa – SGTimes

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Pham Minh Thanh

    Giá cà phê tăng khi Việt nam không còn để bán. Tất cả giới đầu cơ nước ngoài đã thao túng hết rồi.

Tin đã đăng