Giá cà phê thế giới tiếp tục suy yếu do lo ngại dịch bệnh nCoV lây lan, trong khi việc Trung Quốc tuyên bố cam kết sẽ mua hàng hóa của Mỹ theo thỏa thuận thương mại sơ bộ dường như chưa được quan tâm lúc này cho dù thị trường đã có đôi chút lạc quan.
Tính chung cả tuần 6, thị trường London có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 64 USD, tức giảm 4,80% xuống 1.270 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 52 USD, tức giảm 3,42 %, còn 1.290 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, thị trường New York có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 4,3 cent, tức giảm 4,19 %, xuống 98,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 4,45 cent, tức giảm 4,24 %, còn 100,5 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 800 – 900 đồng , xuống dao động trong khung 30.200 – 30.700 đồng/kg.
Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục bị tác động mạnh do tình trạng lây nhiễm dịch cúm Vũ Hán khắp toàn cầu. Nhiều thành phố bị đóng cửa, nhiều đường bay quốc tế bị đình chỉ khiến kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng chưa thể lường hết được.
Mặc dầu việc Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện theo thỏa thuận sơ bộ để giảm bớt căng thẳng thương mại với Mỹ làm cho hầu hết các nhà đầu tư trên các thị trường tỏ ra phấn khởi, chứng khoán Mỹ tăng vọt, USD tiếp tục mạnh thêm trong rổ tiền tệ. Nhưng lo ngại dịch bệnh tràn lan, thương mại phải đình trệ đã khiến bức tranh tiêu cực vẫn còn bao trùm lên các thị trường hàng hóa, nhà đầu tư tiếp tục chuyển vốn tìm nơi trú ẩn.
Giá cà phê kỳ hạn trong tuần qua tiếp tục xu hướng tiêu cực không ngoài dự báo nguồn cung thế giới từ thiếu hụt chuyển sang dư thừa khi Brasil sắp có một vụ thu hoạch mới đạt kỷ lục và Việt Nam tăng tốc bán hàng sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền khá dài ngày.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy tính đến thứ Ba ngày 28/01, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 52,37%, xuống đăng ký mua ròng ở 6.529 lô, tương đương 1.850.493 bao và có khả năng được giảm thêm sau giai đoạn thương mại tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ của các Quỹ quản lý tiền đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 3,48 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ở 24.379 lô, tương đương 4.063167 bao và có khả năng đã được tăng nhẹ trở lại sau giai đoạn thương mại hỗn hợp có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 03/02, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận đã giảm thêm 60 tấn, tức giảm 0,04 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 144.990 tấn (tương đương 2.416.500 bao, bao 60 kg).
Liên đoàn Gieo trồng Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 1 đạt 1.101.000 bao, giảm 65.000 bao, tức giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê từ Colombia trong 4 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2019/2020 đạt tổng cộng 4.884.000 bao, tăng 17.000 bao, tức tăng 0,35% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 10,3 triệu bao. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 3 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2019/2020 giảm 5,8% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước, chỉ đạt tổng cộng 29,01 triệu bao cà phê các loại.
ICO cũng ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2019/2020 sẽ tăng 2,7% lên đạt 169,34 triệu bao, cao hơn nhiều so với ước tính nguồn cung cà phê cho niên vụ cà phê này. Với dự kiến sản lượng cà phê toàn cầu sẽ giảm 0,9% xuống 168,71 triệu bao, dự kiến sẽ dẫn đến thiếu hụt 630.000 bao trong niên vụ 2019/2020.
Anh Văn (Giacaphe.com)