Thị trường hàng hóa toàn cầu đã có đôi chút lạc quan trước khả năng thế giới sẽ sớm ngăn chặn dịch bệnh do virus Corona gây ra, nhưng USD tiếp tục mạnh lên mới là sức cản cho hầu hết giá cả hàng hóa được trao đổi trên thị trường quốc tế.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 17 USD, lên 1.281 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 13 USD, lên 1.297 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 0,4 cent/lb, lên 98,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,5 cent/lb, lên 100,35 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 30.300 – 30.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.377 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 60 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Đồng Reais của Brasil giảm mạnh 1,10% xuống ở mức 1 USD = 4,2860 Reais do tác động suy giảm từ thị trường Trung Quốc vì dịch bệnh lây lan buộc phải đóng cửa nhiều thành phố và hạn chế xuất nhập, trong khi quốc gia này là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Brasil và việc Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom) quyết định cắt giảm lãi suất xuống còn 4,25%/năm, mức thấp nhất lịch sử đã gây cho thị trường phản ứng trái chiều.
USDX tiếp tục mạnh lên do kinh tế Mỹ có dấu hiệu cải thiện kể từ sau việc đình chỉ sản xuất B.737Max đã tác động tiêu cực lên thị trường lao động Bắc Mỹ. Ngoài ra, việc Thượng viện Mỹ đình chỉ luận tội tổng thống D.Trump và Trung Quốc cắt giảm tiền thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm “lành mạnh hóa thương mại song phương” cũng khiến thị trường tỏ rõ sự lạc quan khi thương chiến dịu lại. Tuy nhiên, cần lưu ý là USD tăng mạnh trong rổ tiền tệ cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ trở nên đắt đỏ hơn do tiền tệ của các thị trường nói chung, nhất là đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ bị mất giá.
Tuy giá cà phê Arabica đảo chiều tăng nhưng sức tăng vẫn chưa đáng kể, do chỉ mới lấy lại được những gì đã mất ở phiên trước đó, trong khi nguồn cung cà phê Arabica của khối sản xuất Mexico – khu vực Trung Mỹ vẫn chảy về New Yok đều đặn đã góp phần chi phối giá kỳ hạn sàn này.
Trái lại, sự thiếu hụt nguồn cung cà phê Robusta từ khu vực Đông Nam Á vẫn còn tác động mạnh lên giá kỳ hạn London, buộc giao thương phải chấp nhận mức giá chênh lệch cộng mới có được hàng, trong khi mức giá cách biệt vẫn còn gây bất lợi cho sàn London chi ít cũng tới ngày đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3.
Anh Văn (giacaphe.com)