Tổng hợp thị trường cà phê tuần 4 (20/01/2020 – 25/01/2020)

Thị trường hàng hóa toàn cầu đã phải chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, quốc gia tiêu thụ hàng hóa số 1 thế giới và có khả năng tiếp tục diễn biến trầm trọng hơn. Trong khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra trong tuần tại Davos, Thụy Sỹ tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu do khí thải gây ra.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2020 tuần 4 (từ 20/01/2020 – 25/01/2020)

Tính chung cả tuần 4, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 không thay đổi, vẫn không đổi ở mức 1.319 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 1 USD, tức giảm 0,07 %, xuống 1.336 USD/tấn, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, thị trường New York có 1 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 2 cent, tức giảm 1,78 %, xuống 110,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 2,05 cent, tức giảm 1,79 %, còn 112,4 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên không thay đổi, vẫn dao động trong khung 31.100 – 31.600 đồng/kg.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Indonesia tăng nhẹ lên 10,7 triệu bao trong niên vụ cà phê 2019/2020, mức tăng chia đều cho cả Arabica và Robusta. Theo đó, USDA dự kiến sản lượng cà phê Robusta ​sẽ đạt 9,5 triệu bao nhờ sự phát triển thuận lợi ở các vùng thấp phía Nam Sumatra và Java, nơi chiếm khoảng 75% diện tích trồng cà phê. Dự kiến sản lượng cà phê Arabica cũng tăng nhẹ cho dù thời tiết có quá nhiều mưa ở phía Tây Java đã làm thu hoạch bị trì hoãn. USDA cũng điều chỉnh dự báo Indonesia sẽ xuất khẩu tăng lên mức 6,3 triệu bao trong niên vụ cà phê này. Đồng thời, USDA cũng báo cáo trong niên vụ cà phê 2018/2019 trước đó, Indonesia đạt sản lượng tổng cộng 10,6 triệu bao và đã xuất khẩu 4,91 triệu bao cà phê các loại.

Liên đoàn cà phê châu Âu (ECF) đã báo cáo tồn kho cà phê tại các kho cảng ở Tây Âu đã giảm 86.677 bao, tức giảm 4,19% trong tháng 11, xuống đăng ký ở mức 1.983.170 bao vào cuối tháng. Số tồn kho này để phục vụ cho cả thị trường Tây và Đông Âu nhưng không bao gồm tất cả các kho cảng ở Tây Âu và cũng không bao gồm tồn kho tại nhiều kho hàng tư nhân khác hay trong các container đang vận chuyển quá cảnh và tồn kho tại chỗ của nhà rang xay.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy tính đến thứ Ba ngày 14/01, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 20,10%, xuống đăng ký mua ròng ở 16.708 lô, tương đương 4.736.644 bao và có khả năng đã giảm thêm sau giai đoạn thương mại chủ yếu tiêu cực hơn kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 30,28 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 22.578 lô, tương đương 3.763.000 bao và có khả năng đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại hỗn hợp có xu hướng đi ngang kể từ sau đó.

Tính đến thứ Hai ngày 20/01, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận đã giảm thêm 2.580 tấn, tức giảm 1,74 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 145.530 tấn (tương đương 2.425.500 bao, bao 60 kg).

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng