Tổng hợp thị trường cà phê tuần 2 (06/01/2020 – 11/01/2020)

Thị trường toàn cầu dường như đã lắng lại khi xung đột ở Trung Đông không còn là vấn đề, trong khi sản lượng cà phê vụ mới cũng bắt đầu được đưa ra thị trường tiêu dùng.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2020 tuần 2 (từ 06/01/2020 – 11/01/2020)

Tính chung cả tuần 2, thị trường London có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 27 USD, tức giảm 1,97%, xuống 1.345 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 29 USD, tức giảm 2,08 %, còn 1.362 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, thị trường New York cũng có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 7,4 cent, tức giảm 5,86 %, xuống 118,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 7,35 cent, tức giảm 5,71 %, còn 121,3 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 31.500 – 32.100 đồng/kg.

Giá cà phê sụt giảm trở lại trên cả hai sàn do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông gây ra. Sự dịch chuyển dòng vốn tìm nơi trú ẩn kết hợp việc thanh lý mua ròng quá mức của đầu cơ và các quỹ tiếp tục làm giá cà phê Arabica tại sàn New York giảm về lại mức thấp 6 tuần, trong khi giá cà phê Robusta ở sàn London còn có thêm sức ép nguồn cung do nông dân Việt Nam bán hàng vụ mới để lấy tiền mặt chi tiêu cho kỳ lễ Tết cổ truyền Canh Tý sắp tới.

Nổi bật trong tuần là thông tin từ Viện Địa lý và Thống kê Brasil (IBGE) đưa ra. Theo đó, IBGE điều chỉnh dự báo sản lượng Brasil vụ mùa 2020 lên 56,4 triệu bao, tăng 12,9% so với vụ trước. Trong đó, cà phê Arabica tăng tới 22% do yếu tố của chu kỳ “hai năm một”. Tuy nhiên, dự báo này cũng không tác động đáng kể lên tâm lý thị trường do sản lượng vẫn còn thấp hơn vụ mùa năm 2018.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 31/12, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế mua ròng thêm 0,4%, lên đăng ký mua ròng ở 21.628 lô, tương đương 6.131.442 bao và có khả năng đã giảm mạnh trở lại sau giai đoạn thương mại chủ yếu tiêu cực kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 13,5 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 14.785 lô, tương đương 2.464.167 bao và có khả năng đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 06/01, đã giảm thêm 920 tấn, tức giảm 0,61 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 149.510 tấn (tương đương 2.491.833 bao, bao 60 kg).

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11/2019 đạt tổng cộng 9,31 triệu bao, giảm 0,91 triệu bao, tức giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do Brasil báo cáo xuất khẩu giảm, vì sản lượng cà phê Arabica vụ mùa năm 2019 ở chu kỳ giảm. Tuy nhiên, ICO cũng báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong vòng 12 tháng, từ tháng 12/2018 đến tháng 11/2019 đã tăng 7,19 triệu bao, tức tăng 5,89% so với 12 tháng trước đó. Có lẽ con số thống kê này cũng đã giải thích nguyên nhân giá cà phê thế giới vẫn dao động ở mức thấp kéo dài.

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

75