Giá cà phê thế giới tuy thoát khỏi mức đáy nhưng sẽ còn dao động ở mức thấp kéo dài khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại, trong khi các nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa nông sản nói chung đang kỳ vọng vào chính sách cắt giảm lãi suất sắp tới của Fed và Copom…
Tính chung cả tuần 43, thị trường London có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1 giảm tất cả 1 USD, tức giảm 0,08 %, xuống 1.250 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 2 USD, tức giảm 0,16 %, còn 1.272 USD/tấn, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Trái lại, thị trường New York có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 tăng tất cả 3,75 cent, tức tăng 3,92 %, lên 99,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 cũng tăng tất cả 3,75 cent, tức tăng 3,78 %, lên 102,85 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm nhẹ 100 đồng, xuống dao động trong khung 31.100 – 31.700 đồng/kg.
Tuy tỷ giá đồng Reais bật tăng ở 2 phiên gần đây do lạc quan vào cải cách An Sinh của Chính phủ, nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ nông dân Brasil gia tăng bán khi vẫn còn quanh quẩn ở mức thấp. Thời tiết Brasil đã bước vào mùa mưa, hỗ trợ cho cây cà phê ra hoa thuận lợi, hứa hẹn sẽ là vụ được mùa kỷ lục mới theo chu kỳ “hai năm một” với dự báo ban đầu sản lượng năm 2020 sẽ hơn 70 triệu bao. Trong khi đó, nhà sản xuất Robusta hàng đầu cũng bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới năm nay với sản lượng dự báo giảm nhẹ xuống 30 triệu bao.
Giám Đốc điều hành của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho rằng hiện nay giá đã ổn định khi xu hướng giảm đã dừng lại và dự kiến giá sẽ hồi phục sau hai năm nữa do nguồn cung hiện tại đang dư thừa và năm tới cũng là năm cây cà phê ở Brasil vào chu kỳ “năm được”, trong khi mức tiêu thụ toàn cầu vẫn tăng trưởng ổn định với khoảng hơn 2%/năm.
Thị trường cũng trông chờ vào các phiên họp chính sách vào tuần sau của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với kỳ vọng sẽ giảm lãi suất USD hiện hành bớt 0,25% và Uỷ ban Chính sách Tiền tệ Brasil (Copom) sẽ giảm lãi suất đồng Reais bớt 0,5%, do bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu nhằm kích thích kinh tế, trong khi đã tỏ ra thất vọng vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định không thay đổi lãi suất đồng Euro trong tuần này.
Hiệp hội các nhà Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia (the Association of Indonesian Coffee Exporters and Industries – AIKEI) cho biết sẽ gia tăng sản lượng cà phê thêm 50 – 60% trong vòng 5 năm tới để đón đầu sức tiêu thụ gia tăng của các thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc với dân số “khổng lồ”, bất chấp tuyên bố của Brasil mới đây là kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất Robusta hàng đầu để thay thế Việt Nam.
Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới, có tăng trưởng tiêu thụ nội địa hàng năm rất ấn tượng ở mức 2 con số, với diện tích trồng cà phê hiện tại khoảng 1,2 triệu ha và sản lượng năm nay khoảng 700.000 tấn (hơn 11 triệu bao), cà phê Robusta chiếm 72%.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 15/10, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 22,6 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 58.590 lô, tương đương 16.610.005 bao và có nhiều khả năng đã giảm trở lại sau giai đoạn thương mại có phần tích cực hơn kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta ở London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 4,61 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 57.380 lô, tương đương 9.563.333 bao và có khả năng không thay đổi mấy sau giai đoạn thương mại chủ yếu là đi ngang kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 21/10, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 2.573 tấn, tức tăng 1,64% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở 159.470 tấn (tương đương 2.657.833 bao, bao 60 kg).
*Thông báo: Kể từ thứ Hai, ngày 28/10, các thị trường cà phê kỳ hạn sẽ chuyển sang giao dịch theo giờ mùa đông, mở cửa và đóng cửa chậm 1 giờ so với giao dịch theo giờ mùa hè.
Anh Văn (Giacaphe.com)
Thực sự rất đáng lo ngại khi cả Brazil và Indonesia hăm dọa sẽ trở thành nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu, soán ngôi vị số 1 của Việt Nam hiện nay !
Cứ để họ soán đi, số 1 để làm gì khi nhà nông mình vất vả làm ra hạt cà phê mà không có được cuộc sống đầy đủ tương xứng. Không việc gì phải cố tranh giữ ngôi để tổng cung trên thế giới càng dư thừa khi đó giá càng xuống thấp dân sẽ càng khổ hơn, thà trồng ít, được giá còn hơn trồng nhiều để dư thừa lỗ vốn.
Kêu gọi người dân Việt Nam tăng uống cà phê để tăng tiêu thụ nội địa. Hiện tại VN vẫn còn bán và uống cà phê đểu nhiều quá.
Nếu vn ta 97 triệu dân, chỉ cần 1/2 số dân uống cà phê mỗi năm uống 1.5 kg cà phê bột là đã ra 72.000 tấn cà phê bột tương đương 100.000 tấn cà phê hạt và chế biến xuất khẩu cà phê bột khoảng 300.000 tấn nữa thì mới ổn được.
Vấn đề không phải số một hay số hai hay kêu gọi dân VN uống cà phê ủng hộ thì cũng không giải quyết được vấn đề là giá thành của cà phê Việt Nam quá cao so với các nước trồng cà phê khác, chẳng hạn như Brazil 30 ngàn/kg là họ đã có lãi còn VN thì lỗ te tua.
Sản xuất thì thủ công đầu tư lại cao. Cây caphe rồi cũng trở thành cây nông nghiệp đại trà ở các nước khác dẫn tới cạnh tranh cao giá thành thế này chỉ có người nông dân đang canh tác cà phê là kiệt sức.
Cách hay nhất lúc này là chuyển sang sản xuất cà phê sạch đặc sản để cung ứng cho rang xay, sẽ giảm bớt một nửa diện tích sản xuất, mới giúp tăng thêm thu nhập.
Chính xác và cách nữa là tích tụ ruộng đất tăng số diện tích đất trên đầu người nông dân áp dụng công nghệ 4.0, giải phóng những người sản xuất nhỏ lẻ chuyển qua làm công nghiệp, như vậy chắc chắn sẽ giảm được giá thành cho cà phê Việt Nam và canh tranh tốt với các nước khác…
Có ai lý giải tại sao giá cà phê tăng liên tiếp ko vậy. Trong khi nông dân đang thu hoạch, bình thường mọi năm nó ép giá mà.
@Lý hiếu.
Theo dữ liệu lưu trữ của giacaphe.com cùng ngày này năm ngoái, giá London ở mức 1.669 USD/tấn và giá thị trường nội địa VN là 35.700 đ/kg…
Có lẽ giá sẽ khác nhiều khi có hàng vụ mới bán ra.
Thân.
Nói như Trần Hòa nông dân như tụi tui chết đói hết. Mà có tiền đền bù không mà nói nghe hay thật.
Ở đây không có chuyện đền bù, mà là bên tích tụ ruộng đất sẽ thỏa thuận với bạn để mua. Họ cũng sẽ hợp đồng với bạn để làm công nhân nông nghiệp ngay trên vùng đất đó tùy theo nhu cầu của họ. Hoặc bạn có thể làm việc khác, tùy chọn…
Với lại, tuy giảm một nửa diện tích nhưng giá trị cà phê đặc sản gần gấp đôi nên tổng thu nhập hầu như thay đổi không đáng kể. Một nửa diện tích dôi ra đó có thể trồng cây khác hoặc trồng cà phê tùy bạn lựa chọn để tăng thu nhập. Sao lại lo chết đói ?
Thân
Nhà tôi uống mỗi năm 12 kg cafe bột rồi mà giá cứ giảm