Tuy thông tin kết quả đàm phán đã làm dịu bớt căng thẳng thương mại và hỗ trợ giá cả hàng hóa nông sản bật tăng trở lại nhưng thị trường cần thêm chi tiết rõ ràng cụ thể hơn nữa đã khiến đà tăng bị chùng lại trong sự chờ đợi của nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 9 USD, lên 1.251 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 tăng 13 USD, lên 1.276 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 1,15 cent/lb, lên 94,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 1,1 cent/lb, lên 98,45 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 31.700 – 32.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.416 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 120 – 140 USD theo giá kỳ hạn tháng 1 tại London.
Tỷ giá đồng Reais giảm 0,75 % xuống ở mức 1 USD = 4,1270 Reais, tiếp tục hỗ trợ nông dân Brasil gia tăng sức bán, trong khi chứng khoán tăng trở lại sau đàm phán thương mại. Tuy nhiên, thị trường tỏ ra thận trọng khi trông chờ thỏa thuận chi tiết hơn sẽ được ban hành vào cuối tuần. Có thể đây cũng là lý do để sức tăng nói chung đã bị chùng lại vào cuối phiên hôm qua.
Giá cà phê hồi phục trên cả hai sàn kỳ hạn do các quỹ và đầu cơ điều chỉnh, thanh lý bớt vị thế bán ròng đã quá mức trước đáo hạn quyền chọn tháng 11 tại London vào cuối tuần này như đã suy đoán. Nhưng sức tăng trên sàn Robusta London không như kỳ vọng do giá cà phê Robusta đang gặp bất lợi, cho dù lượng đầu cơ bán ròng trên sàn này đã ở mức kỷ lục lịch sử 54.853 lô, tương đương 9.142.167 bao, theo Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất vào ngày 08/10.
Tổng cục Hải Quan Việt Nam đã báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 9 đạt 92.347 tấn (tương đương 1.539.117 bao, bao 60 kg), giảm 19,11% so với tháng trước. Sự sụt giảm này không gây bất ngờ khi đã được thị trường dự đoán do nguồn cung cạn kiệt trước thềm vụ mới (Đọc thêm thông tin Việt Nam xuất khẩu cà phê tháng 9/2019).
Anh Văn (giacaphe.com)