Đồng Reais Brasil tiếp tục biến động ở mức thấp là yếu tố bất lợi chính của giá cà phê thế giới do sức bán ra khá mạnh từ nhà sản xuất hàng đầu sau hai vụ mùa vừa qua liên tiếp bội thu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm thêm 9 USD, xuống 1.311 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 giảm thêm 10 USD, còn 1.330 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tăng tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 0,2 cent/lb, lên 101,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 0,25 cent/lb, lên 104,95 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 đồng, xuống dao động trong khung 32.500 – 33.300 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.480 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 130 – 150 USD theo giá kỳ hạn tháng 1 tại London.
Các thị trường cà phê thế giới tiếp tục biến động trái chiều với biên độ dao động hẹp do thiếu sự quan tâm của các đầu cơ và quỹ trên cả hai sàn kỳ hạn vào lúc này.
Đồng Reais giảm nhẹ 0,16% xuống ở mức 1 USD = 4,1630 Reais tiếp tục hỗ trợ người Brasil gia tăng sức bán hàng thực tại thị trường nội địa và chính điều này đã ngăn cản đà tăng trên sàn Arabica New York trong khi thị trường đã có dấu hiệu tăng mua thanh lý do lượng đầu cơ bán ròng hiện đã rất cao.
Trái lại, giá cà phê Robusta trên sàn London sụt giảm liên tiếp là điều khá ngạc nhiên, bất chấp ước báo xuất khẩu tháng 9 của Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu sụt giảm tới 12% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khẳng định kinh tế khu vực Eurozone vẫn còn nhiều quan ngại cho dù các biện pháp kích thích kinh tế mới đã được Ngân hàng châu Âu (ECB) đưa ra và vấn đề Brexit đã được chốt thời gian để hoàn tất.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại tiếp tục tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô toàn cầu. Báo cáo các chỉ số sản xuất lẫn xuất khẩu của Mỹ sụt giảm, tâm lý thị trường tiếp tục chìm lắng. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn kéo dài sự tiêu cực.
Giá cà phê thế giới vẫn duy trì ở mức thấp kéo dài, đã làm nông dân Việt Nam bước vào niên vụ cà phê mới 2019/2020 với tâm lý chán nản vì sản xuất không có lợi nhuận, việc tái canh diện tích cây già cỗi tiếp tục bị trì hoãn…
Anh Văn (giacaphe.com)
Cà phê sao ngày càng giảm giá mà trong khi đó phân bón thì quá cao? Tại sao phân bón không điều chỉnh theo giá cà phê. Nếu không điều chỉnh được giá phân bón thì những người nông dân ngày càng nợ nần nhiều hơn mà thôi. Giá cà thì không ổn định mà giá phân thì càng lúc cao hơn sơ với sản phẩm làm ra. Vậy thì những nhà nông như tôi làm sao có vốn để đầu tưu tiếp cà phê đây. Cứ tình trạng này nghèo lại nghèo thêm vì cà phê đầu tư công và phí quá nhiều.
Vàng, đô-la tăng trong khi phân bón phải nhập khẩu bằng ngoại tệ… Tính toán hợp lý để cắt giảm đầu tư nhân công là điều nhà vườn cần xem xét kỹ.
Trong khi năng suất lao động ngày càng tệ…
Thuê nhân công bữa nay chán lắm… Ra rẫy rút điện thoại ngồi quẹt cả buổi. Hái khoán thì vườn cây tan hoang xơ xác như quân Pôn Pốt mới đi qua…
Chưa tới 16h thì lo kéo bạt, về đi đón con…
Làm cà phê khổ nhất là vào mùa thu hoạch. Cầu cho mưa thuận gió hòa để thu hái cho nhanh gọn, phơi phóng cho dễ dàng nhanh khô, không bị ẩm mốc, có lượng lao động đủ để cho kịp tiến độ, có thế mới giảm được sự hao hụt thất thoát.
Thế mà việc tìm người hái cà một vài năm gần đây vô cùng khó khăn. Cách năm, bảy năm về trước đến thời điểm nầy người đồng bào Quảng Ngãi lên Tây Nguyên tìm việc đi tốp năm tốp ba rất nhiều nhưng năm nay vẫn còn vắng vẻ. Thi thoảng có vài nhóm thì cũng đòi mức lương khá cao kèm theo lắm yêu sách nầy nọ.
Ở chỗ tôi mấy năm nay người làm công họ kéo nhau đi làm ở Tp.HCM và các tỉnh gần đó hết rồi. Đầu tiên thanh niên đi, đến năm nay cả người già cũng đi nốt. Năm nay không biết lấy người ở đâu hái cà đây.
Đầu cơ đã thao túng, chi phối các thị trường cà phê kỳ hạn hết rồi. Nông dân làm ra hạt cà mà không thể quyết định giá cả… Chán thật !