Trước tình hình hạn hán gay gắt đang diễn ra, nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp để cứu cây trồng, vật nuôi.
Tại tỉnh Đắk Lắk, khô hạn nặng đã làm gần 700ha lúa nước mất trắng, hơn 2.500ha càphê thiếu nước tưới đứng trước nguy cơ chết héo, mất mùa, nhiều nông dân tìm mọi cách chống hạn trong vô vọng.
Vùng lũ chịu hạn
Ông Ngô Văn Năm, cán bộ nông nghiệp xã Ea Trul, huyện Krông Bông, cho biết dưới cái nắng hanh hao, đốt da thịt, những thửa ruộng nối tiếp nhau của buôn P’lum phủ một màu vàng úa của lúa chết khô. Đập thủy lợi Bang Trung phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng thôn Ba và buôn P’Lum giờ chỉ còn một vũng nước nhỏ đục ngầu không đủ cho một đàn vịt uống hàng ngày.
Lão nông Ama H’Nghê đang cắt những cây lúa đã bị chết khô định đem về bỏ chuồng bò để làm phân. Ông than rằng vụ Đông Xuân này gia đình xuống giống được năm sào, đến nay đã có 3,5 sào chết khô, diện tích còn lại cũng đang trong tình trạng ngắc ngoải. Phải đến hàng chục năm nay mới chứng kiến cơn đại hạn ác nghiệt như năm nay.
Gia đình Ama H’Nghê thuộc hàng khá giả của buôn, nhưng năm vừa rồi liên tiếp phải chịu lũ, nay lại đến đại hạn nên viễn cảnh đói giáp hạt là không thể tránh khỏi.
Ea Trul vốn là xã vùng lũ của huyện Krông Bông với cây trồng chủ lực là lúa, luôn dẫn đầu huyện về sản lượng và diện tích lúa. Vụ Đông Xuân 2009-2010, toàn xã xuống giống được gần 300ha lúa nước, vượt gần 100ha so với kế hoạch đề ra, đến đầu tháng 4/2010 đã có hơn 120ha bị khô cháy hoàn toàn, diện tích còn lại ngoài dăm chục hécta xuống giống sớm đã được thu hoạch bị thiệt hại ít, số còn lại đang trong tình trạng cầm cự được ngày nào hay ngày đó.
Ông Phan Xuân Hóa, Phó Chủ tịch xã, cho biết xã có bảy công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đến nay, khi cây lúa đến thời điểm ngậm đòng, trổ bông, có tới sáu công trình đã cạn trơ đáy, một hồ chứa còn lại đang cầm cự được gần 20ha. Ủy ban Nhân dân xã đã đưa ra giải pháp hỗ trợ dầu cho bà con chạy máy nổ bơm nước chống hạn.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ được triển khai hạn chế, bởi nguyên nhân chính là không thể kiếm đâu ra nguồn nước để bơm chống hạn. Trong tổng số 1.200 hộ của xã Ea Trul, hiện vẫn còn gần 20% thuộc diện nghèo đói. Với cơn đại hạn này, chắc chắn trong thời gian tới đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã này sẽ tăng vọt.
Bất lực nhìn trời
Những ngày này, đi đến các vùng trồng càphê của Đắk Lắk, cụm từ “nước tưới” được nhiều người nhắc đến nhất. Dưới cái nắng như thiêu như đốt là những lô càphê cành lá rũ rượi, oằn mình dưới cơn đại hạn. Hầu hết các hồ thủy lợi của tỉnh nếu không bị cạn trơ đáy, cũng đang trong tình trạng quá tải.
Không thể trông chờ vào nước thủy lợi, để cứu càphê, nhiều hộ đã phải thuê người đào, khoan giếng giữa lô sâu đến 30m, rồi 50-60m, chỗ này không có nước thì khoan chỗ khác; nhiều hộ dùng tới bốn đến năm chiếc máy bơm để “câu nước” từ những khu vực xa về lô nhằm duy trì sự sống cho càphê. Tuy nhiên, sức người đang đuối dần trước cơn hạn của trời.
Lão nông Y Thin Niê, ở buôn Tá, xã Ea Bhốk, cho biết gia đình có 1,5ha càphê năm thứ ba, năm ngoái chỉ phải tưới năm đợt nhưng năm nay đã tưới đến chín đợt nhưng vẫn chưa hết mùa khô. Gia đình ông phải đào giếng sâu hàng chục mét ở chân ruộng lúa nước cách rẫy càphê khá xa vẫn không đủ nước tưới.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 520 công trình thủy lợi, chỉ đảm bảo nước tưới cho khoảng 50% diện tích cây trồng. Vì vậy, cứ trời làm hạn là điệp khúc “thiếu nước tưới” lại diễn ra.
Hạn hán hiện đang hoành hành dữ dội ở địa bàn các huyện Krông Buk, Ea H’leo, Krông Ana, Krông Bông, Krông Pắk, Krông Năng và đang tiếp tục lan rộng đến các địa phương còn lại.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 1.700ha lúa nước bị khô hạn gây ảnh hưởng đến năng suất, trong đó đã có gần 700ha mất trắng; hơn 2.500ha càphê thiếu nước tưới, trong đó nhiều diện tích bị chết héo, số còn lại thì mong cầm cự duy trì sự sống hoặc bị giảm năng suất nặng.
Ngay cả M’Đrắk, huyện thuộc vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Đắk Lắk vốn lâu nay khá xa lạ với chuyện hạn hán trong mùa khô Tây Nguyên, đến nay đã có hơn 100ha lúa nước và gần 100ha ngô lai bị mất trắng do hạn. Một thực tế khác, người dân đã tự làm khó mình trong việc “phớt lờ” khuyến cáo của cơ quan chức năng để “đánh bạc” với trời khi họ tự ý phát triển cây trồng ngoài vùng quy hoạch.
Theo thống kê, diện tích lúa Đông Xuân vụ 2009-2010 của tỉnh Đắk Lắk vượt gần 13% kế hoạch; hàng nghìn hécta cà phê được trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch… Chính diện tích này đang phải hứng chịu cơn đại hạn nặng nề nhất.
Dù tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tìm các giải pháp rốt ráo chống hạn và bản thân các địa phương cũng đã chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ chống hạn nhưng bài toán tìm nguồn nước chống hạn vẫn chưa có lời giải. Ngay cả nguồn nước ngầm tưởng vô hạn hiện cũng trong tình trạng bị suy giảm trầm trọng. Việc chống hạn ở Đắk Lắk đến nay vẫn phụ thuộc vào “ông” trời.
Bat giac lam toi nho lai hai cau ve :
THANG TROI DUNG LAI MOT BEN,
DE CHO NONG HOI DUNG LEN LAM TROI
he he…
Thật là một bản tin đáng lo ngại và đáng thương cho người dân vùng Tây Nguyên… Trong nỗi lo chung này, mỗi chúng ta hãy cùng tìm tòi giải pháp và gửi đến họ với tấm lòng thương cảm. Xin đừng cười đùa trên nỗi lo của họ…
Nói như ông Dũng thì làm được đếch gì, trời đã vậy thì con người không làm gì ngăn cản được. Tuy nhiên, nếu các đập, các hồ nước mà đủ lượng nước dự trữ để tưới trong những năm hạn hán như thế này thì bà con ta cũng phần nào được cứu vãn. Nhưng bà con ta lại là những người gây ra hậu quả này, chặt phá rừng đầu nguồn để lấy gỗ, nạo vét kênh mương để bắt cá, xây hồ đắp đập thì chủ quan. Đấy, đến khi hạn hạn, lũ lụt lại kêu ông trời… Xem ra người nông dân trong thời đại mới này phải là những người nông dân không chỉ biết cày xới nữa, mà phải là những người làm nông có học mới được, đối phó với tất cả mọi tình huống, kể cả thị trường.