Giá sàn London giảm trở lại vào lúc cuối phiên do các đầu cơ mạnh tay bán ròng trước các thông tin mới.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 12 USD, xuống 1.364 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 10 USD, còn 1.379 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 0,45 cent, lên 91,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 0,45 cent, lên 93,95 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 200 đồng, xuống dao động trong khung 30.300 – 31.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.334 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 40 – 45 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Giá cà phê trên cả hai sàn có xu hướng hồi phục ngay từ đầu phiên theo dự kiến của thương mại thị trường. Tuy nhiên, giá sàn London không giữ được sức tăng cho tới cuối phiên do các đầu cơ và quỹ quay lại bán ròng trước thông tin Indonesia xuất khẩu giảm mạnh trong ngắn hạn.
Giá cà phê Robusta còn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn kiên định việc duy trì lãi suất đồng Euro ở mức thấp hiện nay nhằm kích thích kinh tế của nội khối. Tuy nhiên, do sự phát triển không đều giữa các quốc gia thành viên là lực cản không hề nhỏ làm cho nền kinh tế quan trọng này trì trệ kéo dài.
Theo các nhà quan sát, sản lượng cà phê toàn cầu hiện ở mức dồi dào đã không khiến rang xay vội mua, trong khi hầu hết các nước sản xuất vẫn tiếp tục kháng giá làm cho thương mại thị trường dường như không còn sức hấp dẫn.
Báo cáo thương mại tháng Ba của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này đã thấp hơn 3,8% so với cùng kỳ năm trước, với tổng cộng 10,98 triệu bao. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ hiện tại 2018/2019 đạt tổng cộng 63,15 triệu bao, tăng 4,1% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó. ICO còn cho biết sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ cà phê này ước tính 168,05 triệu bao trong khi tiêu thụ ước tính 164,99 triệu bao và do đó, đã tạo ra thặng dư 3,06 triệu bao.
Theo dữ liệu thương mại của Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng Tư chỉ đạt 72.105 bao, giảm 68.828 bao, tức giảm 48,84% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia trong 7 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2018/2019, đã tăng 47.183 bao, tức tăng 4,61% so với cùng kỳ niên vụ trước, lên đạt tổng cộng 1.071.320 bao.
Giá cà phê Lampung loại 4 vẫn duy trì mức chênh lệch cộng 20 – 40 USD/tấn theo giá kỳ hạn 0London.
Anh Văn (giacaphe.com)