Khả năng công bố thỏa thuận thương mại Trung quốc – Mỹ chậm lại khiến các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, cần chờ đợi nghe ngóng thêm, đã làm các thị trường cà phê kỳ hạn chững lại …
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 9 USD, xuống 1.448 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 7 USD, còn 1.465 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 0,05 cent, xuống 95,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm 0,05 cent, còn 97,8 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 31.400 – 32.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.390 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 70 – 75 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Đồng Reais Brasil tăng 0,92% lên ở mức 1 USD = 3,8590 Reais trong khi USD tiếp tục giảm nhẹ đã làm giá cà phê khựng lại do áp lực bán hàng từ Brasil vẫn còn nguyên.
Trong khi đó, kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại giữa Mỹ – Trung cũng cần thêm thời gian để xem xét kỹ càng hơn, theo tổng thống Mỹ D.Trump có thể khoảng 4 tuần nữa, cũng khiến các nhà đầu tư trên các sàn hàng hóa tỏ ra thận trọng hơn.
Báo cáo xuất khẩu tháng Ba của Brasil đạt 3,21 triệu bao, tăng mạnh tới 41,4% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu báo cáo của Ban Thư ký Ngoại thương (Secex) của Bộ Kinh tế vừa công bố. Có thể thấy xuất khẩu cà phê hàng tháng của Brasil tăng liên tiếp tháng thứ năm đã khẳng định vụ thu hoạch kỷ lục năm ngoái, trong khi vụ mùa mới năm nay đã bắt đầu thu hoạch ở một số vùng Conilon Robusta chín sớm và khối lượng tồn kho mang sang vụ mới được cho là một con số rất đáng kể.
Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê tháng Ba đạt 914.000 bao, giảm 123.000 bao, tức giảm 11,86% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế sản lượng 6 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2018/2019 đạt tổng cộng 6.985.000 bao, giảm 322.000 bao, tức giảm 4,41% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
FNC – Colombia cũng đã báo cáo xuất khẩu cà phê tháng Ba đạt 1.143.000 bao, tăng 141.000 bao, tức tăng 14,07% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2018/2019 đạt tổng cộng 7.266.000 bao, tăng 343.000 bao, tức tăng 4,95% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Cơ quan thương mại Chính phủ từ Sumatra, đảo sản xuất cà phê chính của Indonesia, đã báo cáo xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng Ba đạt 109.390 bao, tăng 6.407 bao, tức tăng 6,22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta của đảo trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2018/2019 đạt tổng cộng 999.242 bao, giảm 300.061 bao, tức giảm 23,09% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.
Nguyên nhân Indonesia xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu niên vụ hiện tại được cho là do sự kháng giá tại thị trường nội địa, không liên quan đến nguồn cung. Được biết, cà phê Lampung loại 4 hiện có mức giá chênh lệch cộng 40 – 60 USD/tấn so với giá kỳ hạn London.
Anh Văn (giacaphe.com)