Mô hình tưới cà phê tiết kiệm nước ở Đắk Mil

Vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hiện nay, hàng nghìn ha cà-phê ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng bị hạn nặng do hậu quả của việc tán phá rừng và ồ ạt mở rộng diện tích cà-phê trong những năm qua…

Tác động lớn đến tình trạng này là việc sử dụng nguồn nước mặt chưa phù hợp và tình trạng khai thác nguồn nước ngầm một cách vô tội vạ để tưới cho cây cà-phê của người dân khiến cho tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô ngày càng trở nên trầm trọng. Trong điều kiện đó, mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước của người dân ở huyện Đác Min đã phát huy hiệu quả.

Nguồn nước ngày càng khan hiếm

Trước thực trạng ngày càng khan hiếm nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà-phê trong mùa khô đã đặt ra bài toán là phải làm thế nào để quản lý tài nguyên nước ở địa phương cho hiệu quả. Không chỉ ở huyện Đắk Mil mà là thực trạng chung của cả tỉnh Đác Nông. Mặc dù trên địa bàn huyện Đác Min có hệ thống sông, suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Sêrêpốc như: suối Đác N’reng, Đác Sor, Đác Mâm, Đác Gằn… nhưng hầu hết đều là suối nhỏ, thường cạn kiệt nước vào mùa khô.

Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 11 công trình hồ đập chứa nước, với tổng trữ lượng khoảng 15 triệu m3 nước và 10 hồ chứa nhỏ do các nông, lâm trường quản lý có tổng trữ lượng gần 1 triệu m3 nước, với tổng năng lực của hồ đập theo thiết kế có thể tưới cho diện tích 1.814 ha cây trồng toàn huyện, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 ha.

Trong đó có 325 ha đất lúa nước, hoa màu và khoảng 700 ha cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cà-phê. Do khan hiếm nguồn nước mặt, trong mùa khô năm nay, người dân ở các xã như Đác Sắc, Đác Gằn, Đác Minh, Đức Mạnh, Thuận An, Đác Lao… tự đầu tư kinh phí đào giếng hoặc thuê khoan giếng với độ sâu hàng chục mét để lấy nước ngầm tưới cà-phê.

Do việc khai thác lượng nước ngầm tưới cho cây cà-phê ngày càng lớn đã dẫn đến hiện tượng chảy tầng, tụt mạch nước ngầm do khai thác không đúng quy trình…

Qua khảo sát của Đoàn Địa chất 704 tại một số huyện thuộc tỉnh Đác Lắc, Gia Lai và Đác Nông, trong đó có huyện Đác Min thì mực nước ngầm ở Tây Nguyên ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

Nguyên nhân do lượng mưa hàng năm ít đi, mùa khô kéo dài, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm, cộng với diện tích các loại cây trồng cần nước tưới ồ ạt tăng nhanh, nhất là cây cà-phê, nên xảy ra tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức làm mực nước ngầm tụt giảm từ 3-5m so với trước.

Do đó, trong nhiều phương án được huyện Đác Min đề ra như trồng rừng và bảo vệ rừng, xây dựng hệ thống hồ chứa, củng cố kênh mương thủy lợi… thì phương án khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm bằng giải pháp canh tác tiết kiệm nước tưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít tác động đến môi trường được các cấp chính quyền và hộ sản xuất cà-phê ở huyện Đác Min đặc biệt quan tâm. Với những ưu điểm của mô hình này mang lại, đến nay đã có hàng nghìn hộ trồng cà-phê ở Đác Min tham gia thực hiện và ngày càng được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh.

Mô hình cần được nhân rộng

Mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước tưới của anh Trần Thành Tâm,ở xã Đác Gằn, huyện Đác Min luôn đạt năng suất từ 4-5 tấn cà phê nhân/ha.

Đi đầu trong mô hình này là gia đình ông Trần Văn Hải ở xã Thuận An, huyện Đác Min đã sử dụng các loại cây như: muồng đen, cây họ đậu và một số loại cây rừng khác trồng làm vành đai chắn gió và che bóng mát cho vườn cà-phê. Ông Hải tâm sự: “Qua nghiên cứu sách, báo và kinh nghiệm thực tế sau nhiều năm trồng cà-phê, tôi nhận thấy thời tiết ở Tây Nguyên có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa khô đồng thời cũng là mùa gió mạnh kéo dài khiến cho thời tiết khô hanh, độ ẩm thấp, tình trạng bốc hơi nước nhanh khiến cho các loại cây trồng nhanh bị khô héo.

Vì vậy, tôi đã trồng cây làm vành đai chắn gió và trồng xen cây muồng đen cùng các cây họ đậu trong vườn cà-phê để che bóng mát, hạn chế được sự bốc hơi nước, giảm được một phần chi phí trong đầu tư mua xăng, dầu tưới trong mùa khô, còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, lá cây rụng xuống cung cấp cho đất một phần dinh dưỡng và có tác dụng che phủ đất… Với cách làm này, mỗi năm vào mùa khô gia đình tôi tiết kiệm đáng kể chi phí mua xăng, dầu tưới cà-phê, năng suất vườn cà-phê cũng tăng cao đạt 5 tấn cà-phê nhân/ha, cao hơn các vườn cà-phê khác trong vùng”.

Với hiệu quả thiết thực từ mô hình trồng cây chắn gió và che bóng mát của gia đình ông Hải, thời gian qua, nhiều người dân kể cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã, trong huyện đến tham quan, học tập về áp dụng vào canh tác trong vườn cà-phê của gia đình mình đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở xã Đác Gằn, địa phương có nhiều diện tích đất đai sỏi đá, cằn cỗi và thường bị hạn hán nặng nhất huyện Đác Min thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước bằng cách trồng xen cây che bóng mát với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khác trong vườn cà-phê, trong đó gia đình ông Trần Thành Tâm là một điển hình.

Ngày càng có nhiều nông dân ở huyện Đác Min thực hiện mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước tưới bằng cách trồng cây chắn gió và che bóng mát cho vườn cà-phê.

Nói về mô hình của mình, ông Tâm cho biết: “Gia đình tôi trồng được 2 ha cà-phê, những năm trước đây khi chưa trồng xen các loại cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày khác bình quân trong mỗi mùa khô tôi phải tưới từ 4-5 đợt, năng suất vườn cây cũng không cao. Còn kể từ khi thực hiện mô hình trồng cây chắn gió, che bóng mát, ngoài mục đích hạn chế bức xạ mặt trời, tiết kiệm được một đợt tưới nước, còn giúp gia đình tôi tăng thu nhập từ sản phẩm phụ như: sầu riêng, xoài, cao su, điều… Đặc biệt, năng suất vườn cây tăng đáng kể, trong khi chi phí đầu tư lại giảm”.

Ngoài mô hình trồng cây chắn gió và che bóng mát cho vườn cà-phê thì mô hình tủ gốc cho cây cà- phê cũng được nhiều hộ gia đình ở huyện Đác Min lựa chọn, vì mô hình này dễ làm, hiệu quả kinh tế lại cao, có thể tận dụng các loại phế thải thực vật như cỏ, rác, thân lá của ngô, lá chuối, xác vỏ cà phê… để tủ gốc cà-phê. Ưu điểm của mô hình này là giảm sự bốc hơi và giữ độ ẩm cho đất, hạn chế sự phát triển của cỏ dại, cung cấp chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng khác cho cây cà-phê khi vật liệu tủ hoai mục.

Ông K’Lơm, ở bon Jun Jú, xã Đức Minh, người đã 5 năm nay ứng dụng mô hình này khẳng định: “Biện pháp tủ gốc cho cây cà-phê thể hiện rõ ưu điểm giữ ẩm cho đất trong thời gian dài hơn. Vì vậy, giảm được lượng nước tưới và kéo dài thời gian nghỉ giữa hai lần tưới, tiết kiệm đáng kể kinh phí đầu tư chăm sóc cà-phê… nhưng năng suất vườn cây không hề giảm”.

Hiện nay, Đác Min là huyện có diện tích cà-phê lớn nhất tỉnh Đác Nông với gần 20 nghìn ha và trong nhiều năm qua đã có hàng nghìn hộ nông dân triển khai mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước, góp phần giảm đáng kể chi phí đầu tư, nhưng năng suất luôn đạt cao, bình quân đạt từ 2,5-3 tấn cà-phê nhân/ha, thậm chí nhiều hộ canh tốt đúng kỹ thuật đạt năng suất từ 5-6 tấn cà-phê nhân/ha.

Theo Hội Nông dân huyện Đác Min thì điều quan trọng khi thực hiện mô hình trồng cà-phê tiết kiệm nước tưới không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần cải thiện, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, hạn chế tình trạng khai thác nguồn nước tưới trong mùa khô… để quá trình sản xuất được bền vững. Vì vậy, mô hình này cần được sớm nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.

>> Xem chuyên đề:  Tưới nước tiết kiệm cho cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. lenhansinh

    Theo tôi, bà con nông dân mình nên trồng những cây ăn quả như cây bơ, mãng cầu… xen giữa vườn cà phê là tốt nhất. vi nó vừa cho qủa, vừa cho bóng mát và có độ chắn gió rất cao. đặc biệt, những cây này có bộ rể cọc ăn sâu xuống lòng đất nên không ảnh hưởng nhiều đến nguồn dinh dưỡng của cây cà phê . (vì rể cây cà phê chủ yếu ăn trên mặt đất). đây là ý kiến của tôi , mong bà con minh tham khảo.

  2. Nguyễn Vịnh

    Việc trồng cây che bóng cho vườn cafe là điều trong thực tiển thâm canh cây cafe đã đúc kết, không còn gì phải bàn nữa! Tuy nhiên, cần phải bàn là trồng loại cây gì? trồng như thế nào ?…Những năm gần đây thời tiết ngày càng khô hạn, mực nước ngầm xuống thấp, lượng nước dự trữ để tưới ở các ao hồ, đập dâng ngày càng khan hiếm thì việc tưới nước tiết kiệm cho cây cafe là giải pháp thiết thực nhất. Đi kèm theo đó là việc trồng cây che bóng. Nhưng tại sao có thời kỳ lại làm rầm rộ rồi ngưng,Thậm chí có ý kiến bàn lùi, đòi bỏ hẳn. Điều này là do chưa hiểu đặc điểm sinh trưởng của cây cafe và đặc tính của từng nhóm, loại cây che bóng.
    Có thể chia cây che bóng ra làm 3 nhóm:
    -Nhóm cây nhỏ thưa mà đại diện là các cây keo họ đậu, keo lai, keo Cuba…
    -Nhóm cây cao dày, lấy gỗ mà tiêu biểu là cây muồng đen.
    -Nhóm cây cho quả như mít, bơ, sầu riêng, mảng cầu…
    Do không có điều kiện để nói nhiều, tôi chỉ xin có ý kiến: Qua hơn 30 năm nghiên cứu cây cafe,tôi thây việc che bóng tốt nhất là:
    Ở đầu hướng gió nên trồng các cây cao. bóng rợp, lá dày như muồng đen hoặc các cây ăn trái như mít, chôm chôm, bỏ…để kết hợp tốt với việc chắn gió. Chung quanh vườn nên trồng sầu riêng, mảng cầu, muồng đen. Giữa vườn trồng keo, mảng cầu.
    Điều quan trọng là độ che bóng. Cây cafe ở ta đã được thuần hóa, thích hợp với địa phương nên không cần độ che phủ cao. Phải kết hợp tốt giữa việc che bóng và việc chắn gió thì mới thấy được hiệu quả. Rất mong các bạn nghiên cứu kỹ ý kiến của tôi. nếu cần thiết sẽ trao đổi thêm.

  3. phung van phi 0982732032

    toi hoan toan dong y voi ki thuat trong cay che bong mat cho cay ca phe toi buon vi ban quang du dua ra y kien theo toi la khong thien chi.

  4. Nguyễn Vịnh

    đã đến lúc những nhà quản lí phải xem xét việc trồng rừng, trồng cây che bóng cho cafe là một biện pháp bắt buộc người trồng cafe phải thực hiện. Mức độ hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước tưới thiếu hụt hơn bao giờ hết thì việc tưới nước tiết kiệm càng là yêu cầu bức thiết.

    Một số lớn diện tích của các nông trường giao khoán cho bà con nông dân trước đây được che bóng bằng cây muồng đen có kết quả rất tốt. Qua thời gian, muồng đã lớn, bà con khai thác lấy gổ nhưng không chú trồng lại nên để vườn cây phơi nắng suốt mùa khô, rất tốn nước tưới. Và hệ lụy là nước tưới càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn.

    biện pháp trước mắt, theo tôi là giao cho hội nông dân, hoặc chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động bà con trồng lại cây che bóng cho vườn cafe. Những vùng rừng đầu nguồn, những vùng đất trống đồi trọc phải trồng cây che phủ. Đã đến luc phải có biện pháp chống hạn lâu dài cho Tây nguyên !

    Ở DakLak, theo tôi, có nông trường Thắng Lợi làm tốt việc này nhất, cần phải học tập!

  5. banlua _duc huy

    Ý kiến của bạn Quang nghe cũng có lý phần nào, theo kinh nghiệm trồng cà phê từ 1992 của tôi trồng xen cây rừng để chắn gió chỉ nên trồng vài hàng cách 5 hàng cà phê thì thôm một hàng điều để có bóng mát chứ xen nhiều thì cây cà phê sẽ bị thất thu vì bị còi.

    Thật ra cách chăm làm sao để cây cà phê đạt năng suất cao cũng không khó, tùy theo từng vùng đất để chăm bóng. Chẳng hạn như ở vùng Lâm Đồng, Đà Lạt khí hậu mát mẻ một năm chỉ phải tưới từ 3-5 lần, bón phân vào mùa mưa khoảng 4-5 đợt và chăm tỉa chơi còn như vùng Đồng Nai – Trị An thì cần phải nhiều nước tưới.

    Vào mùa nắng phải tưới ít nhất 1 tuần một lần, bón phân vì thế cũng nhiều hơn vì là đất sỏi đen nên không giữ nước.

    Cần nhất là phải chăm tỉa chồi để cây thoáng thì sẽ không bị rụng quả và cần phải phun thuốc để trừ sâu bệnh.

    Chút kinh nghiệm xin được chia sẽ cùng bà con có vườn cà phê

  6. Trần Hữu Hậu

    Theo tôi thấy việc trồng cây che bóng cho cafe ở vùng thiều nước là cần thiết. Tuy nhiên cung phải xem xét vấn đề mật độ cây che bóng. Ngoài việc che bóng thì còn có tác dụng hạn chế gió thổi trong vườn cafe để bớt hại cây, hạn chế bốc hơi nước nữa. Mà theo tôi với vùng Daklak thì mục đích hạn chế gió thổi là quan trọng hơn vì vùng này cung không thuộc dạng khan hiếm nước lắm. Vì thế nên trồng cây chắn gió với mật độ thưa khoảng 10 hàng thì trồng 1 hàng, phía bờ hướng gió thì trồng muồng đen, còn trong lô thì trồng keo cuba. Nếu trồng với mật độ dầy quá sẽ ảnh hưởng đến năng xuất cafe.

  7. lê sỹ khang

    Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Đứng trên quan điểm của 1 nhà khoa học đi lên từ thực tế xét thấy chúng ta quá phụ thuộc vào truyền thống và chỉ dẫn của các nhà khoa học. Mà các nhà khoa học làm sao có những trăn trở giống chúng ta khi vất vả tưới cafe tiêu? Lý thuyết là nền tảng nhưng khác xa thực tiễn. Quay lại vấn đề tưới nước cho cây cafe, tiêu ở tây nguyên. Miền núi, độ dốc cao không thể áp dụng những phương pháp tưới truyền thông, nhỏ giọt, phun mưa vì nguồn điện nước nan giải và không tránh được hiện tượng thất thoát nước, bốc hơi, không thường xuyên. Sáng tạo phải qua trải nghiệm, tính toán, công thức, mặt ưu nhược điểm…
    Tôi đang sở hữu mô hình, bản vẽ, công thức… tưới nước 1 lần/năm, mỗi ngày cấp 4 đến 6 lít nước không bốc hơi liên tục trong 90 ngày. Cần người đủ năng lực đầu tư hợp tác. Điều kiện: nhiệt huyết, đam mê cây cafe, tiêu, bản chất tốt và không được phép tính đến tay người dân quá 25 triêu/ha. Xây dựng hệ thống bảo hành 5 năm. 0989 039.965

  8. leminh

    Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thấy: đối với cây cà phê, hồ tiêu thì việc trồng cây tạo bóng mát, chắn gió là rất cần thiết… nhưng vấn đề ở đây là trồng loại cây gì cho có hiệu quả? Tôi tính trồng cây gỗ sưa đỏ. Mong nhận được sự chỉ giúp của diễn đàn… Chân thành cảm ơn!

Tin đã đăng